Đến Bình Thuận thì phải lên Bưng Thị, xuống cù lao
Muốn khám phá trọn vẹn Bưng Thị, du khách nên tìm cho đoàn một người địa phương rành rẽ hay liên hệ với các công ty du lịch ở Phan Thiết để tìm một hướng dẫn viên am hiểu về vùng đất này. Đường vào Bưng Thị lắm chông gai, theo đúng nghĩa đen. Ngồi trên xe, khách phải trải qua những đợt dằn xóc đến ê người. Khi đi bộ, bạn lại phải liên tục tránh né những nhánh găng đầy gai nhọn tủa ngang đường.
Nhưng những khó khăn đó sẽ được đền bù. Thiên nhiên ở Bưng Thị cảnh hoang sơ đẹp đến ngỡ ngàng làm du khách mau chóng quên đi mệt nhọc. Trước tiên là dòng suối với 2 luồng nước nóng, lạnh chảy song song. Khách có thể nhúng một chân vào nước ấm, một tay vào nước lạnh để “nghe” cảm giác lạ lùng lan tỏa khắp cơ thể. Thiên nhiên ở đây trong lành và hoang sơ khiến du khách phải đặt từng bước chân cẩn trọng trên lớp lá mục. Chỉ trong một bán kính nhỏ, có thể thấy hàng chục loại cây khác nhau mọc đan xen, ken dày. Thú vị nhất là cây nắp ấm mà người ta còn gọi là cây bắt mồi. Chịu khó quan sát một lúc, khách sẽ “chộp” được cảnh cây nắp ấm “ăn” mồi. Đây là một loại dây leo, có những đoạn dây nắp ấm phình to ra tạo thành một chiếc ống có màu hồng xinh xắn là cái bẫy giương sẵn để “mời gọi” những loại côn trùng “ham vui”.
Theo các nhà địa chất, chỗ nước nóng nhất của Bưng Thị lên đến 76oC - có thể thả trứng gà vào để “luộc” tự nhiên. Du khách có thể luộc trứng chấm với muối tiêu mang theo ăn lót lòng sau chặng đường xa. Ăn trứng xong, khách để chân trần lội dưới lòng suối lạnh ngắt để tận hưởng. Nếu mệt, hãy ngồi nghỉ mát dưới tán lá dầu, nhìn những hoa dầu xoay tít bay bay trong gió. Bưng Thị còn là thế giới của hàng chục loại cây khác nhau như địa lan, nắp ấm, dầu, dương xỉ, dừa rừng và đặc biệt là giữa màu hoa mua tím.
Tháng 6/2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng đề án phát triển Bưng Thị thành khu du lịch rộng hơn 300ha gắn với khu du lịch Tà Cú. Khi khu du lịch hoàn thành, khách đến đây sẽ được hưởng thụ các dịch vụ du lịch như tắm suối khoáng nóng, du lịch điều dưỡng chữa bệnh, khám phá rừng...
Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận còn có cù lao Câu. Từ trung tâm huyện Tuy Phong, du khách có thể đến các bến đò ở thị trấn Liên Hương thuê thuyền đánh cá của ngư dân để ra đảo. Những người dân ở đây cũng là những hướng dẫn viên tuyệt vời giúp bạn tìm hiểu về đất và người. Cù lao Câu cách đất liền khoảng 9 km nên bạn sẽ có khoảng 1 giờ lênh đênh trên biển. Đi được hơn 10 phút, khách sẽ đến một ngư trường nhỏ xem ngư dân đánh bắt. Cù lao Câu chưa có bến tàu nên khách trải qua cảm giác bồng bềnh khi di chuyển trên thuyền thúng vào đảo.
Ấn tượng đầu tiên của cù lao Câu đến với du khách là hàng ngàn khối đá có muôn hình vạn trạng và màu sắc khác nhau bao quanh. Nơi đây được ví von như một “vương quốc đá” với muôn hình dạng như rùa, hải cẩu, gấu, chim...
Cù lao có nhiều hang động bí ẩn được tạo thành bởi sự liên kết của đá. Trước hoặc sau khi khám phá hang động, khách có thể để chân trần chạy trên những triền cát trắng mịn màng và ào xuống làn nước trong xanh, rũ bỏ mọi ưu phiền. Đây là địa điểm lý tưởng để khách đoàn cắm trại, sinh hoạt tập thể. Nghỉ đêm ở cù lao Câu, có thể nghe tiếng sóng biển rạt rào, tận hưởng làn gió biển mạnh mẽ và ngắm nhìn biển đêm lấp lánh với hàng trăm chiếc đèn của những chiếc ghe đánh cá neo đậu trên biển. Biển quanh đảo còn thích hợp để khách lặn ngắm san hô, bắt ốc.
Vào sâu trong đảo, khách sẽ có dịp viếng đền thờ thần Nam Hải, khám phá hang Yến, giếng Tiên. Thích mạo hiểm, có thể đi bộ xuyên rừng khoảng 3 km để vào thác Yaly, ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Cù lao Câu mùa này, biển êm, cây cối xanh tươi, tàu ghe tấp nập nhưng nét hoang sơ và các dịch vụ đi câu mực đêm, đánh cá, ngắm san hô... là những lý do mời gọi du khách.