Non nước Việt Nam

Tưng bừng lễ hội miền Kinh Bắc

Cập nhật: 24/02/2010 09:52:39
Số lần đọc: 3111
Đối với mảnh đất giàu truyền thống văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, mùa Xuân là mùa của lễ hội. Khắp xóm làng, đâu đâu cũng tưng bừng mở hội Xuân. Như thường lệ, mùa lễ hội bắt đầu từ mồng 4 Tết với lễ hội Khán hoa mẫu đơn ở Phật Tích và lễ hội rước pháo Đồng Kỵ, tiếp đó là lễ hội đình Ném Thượng và hội Đọ Xá… rồi đến hơn 500 lễ hội đậm đà sắc xuân Kinh Bắc khác.

Độc đáo hội Pháo Đồng Kỵ

Lễ hội pháo Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn) diễn ra trong 3 ngày (4, 5 và 6 Tết) được xem là một lễ hội độc đáo, thu hút hàng nghìn du khách thập phương về trảy hội. Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ có từ mấy trăm năm về trước với tục truyền nhân dân trong vùng mở hội để khao quân, mừng chiến thắng của các tướng sĩ đã đánh thắng giặc, lập công trở về. Nhiều năm trở lại đây, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ không còn tục lệ thi đốt pháo như xưa nhưng không vì thế mà kém sôi động. Phần lễ rước pháo vẫn được địa phương tổ chức bài bản, theo đúng nghi lễ truyền thống với 4 ông đám dẫn đầu cùng đội ngũ thanh niên, trai tráng và đông đảo bà con dân thôn trong trang phục truyền thống rực rỡ cờ hoa, trống lọng, làm lễ rước pháo vào đình. 

Năm nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông của phường Đồng Kỵ được mở mang kiên cố, hiện đại hơn cùng với việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng Nhà truyền thống là những điều kiện vật chất cơ bản phục vụ cho việc tế lễ và rước pháo diễn ra được thuận lợi, hơn. So với những năm trước, quy mô của lễ hội Đồng Kỵ năm 2010 lớn hơn về cả phần lễ và phần hội: Phần lễ có thêm màn múa lân; Phần hội diễn ra trong hai ngày mồng 5 và mồng 6 với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người… và lần đầu tiên môn bóng chuyền hơi được BTC Lễ hội đưa vào để thu hút phụ nữ lứa tuổi trung niên ở các khu phố tham gia tập luyện, thi đấu. Bên cạnh đó là sự góp mặt của các hoạt động văn hoá văn nghệ với hội trưng bày Sinh vật cảnh, thi thơ, hát Quan họ… Một nét đặc biệt, riêng có mà du khách thập phương về trảy hội đều cảm nhận thấy đó là một địa phương có quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng như Đồng Kỵ nhưng lễ hội vẫn diễn ra giữa một cảnh sắc không gian đậm truyền thống với mái đình cổ kính, cây đa, bến nước…  Việc tổ chức phong phú trò chơi dân gian kết hợp các môn thể thao hiện đại nhằm thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia cũng như việc quy hoạch các địa điểm, khu vực vui chơi khá rõ ràng, khu biệt là điểm đáng ghi nhận ở lễ hội Đồng Kỵ.

Hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích

Năm nay là năm thứ 2 chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) không mở hội (vì chùa đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo) mà chỉ tổ chức phần lễ phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của tăng ni, phật tử và du khách thập phương về chùa thắp hương lễ phật cầu bình an, may mắn, sức khoẻ… vãn cảnh chùa, ngắm cảnh núi Lạn Kha (Phật Tích), nhớ lại  truyền thuyết Từ Thức gặp tiên… Dù không mở hội nhưng như đã thành lệ mồng 4 Tết du khách đến lễ Phật và vãn cảnh chùa vẫn rất đông như đoàn phật tử thành phố Hà Nội tổ chức đi lễ trên 300 người. Đôi lúc đã diễn ra cảnh tắc đường, việc đi bộ lên chùa, lên núi chen chân hết sức vất vả. Nhưng những khó khăn ấy dường như không ngăn cản được bước chân hành hương về miền đất Phật của du khách. 

 Trong tương lai không xa, núi Lạn Kha, chùa Phật Tích sẽ trở thành một trong những danh lam hàng đầu của đất nước. Danh lam này đang được xây dựng quy mô trên diện tích 10 ha. Trong đó có sự hài hòa của rất nhiều hạng mục quan trọng: cụm đá mào phượng, khu vực tháp cổ, Quan Âm Viện, Trung tâm Tu tập Phật Tích, sân hội tụ, bậc thang lên đại Phật, vườn đá thiên nhiên, hệ thống đường đạo trong rừng thông tâm linh, chùa Phật Tích cổ… tâm điểm là một Đại Phật Thành cao 27m, quay mặt hướng Tây Nam, phục dựng theo nguyên mẫu Bảo tượng A Di Đà của chùa. Lễ hội chùa Phật Tích sẽ tiếp tục duy trì nghi lễ cúng Phật đầu xuân, hội “Khán hoa mẫu đơn”, phục dựng cảnh Từ Thức gặp tiên cùng nhiều trò chơi dân gian: chơi cờ tướng, chọi gà, hát quan họ, đấu vật… để phục vụ đông đảo nhân dân cả nước.

Đặc sắc Hội đình làng Ném Thượng

Lễ hội đình làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh với tâm điểm là lễ chém lợn cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. “Lễ hội truyền thống đình làng Ném Thượng diễn ra trong 2 ngày mồng 5 và 6 tháng Giêng âm lịch với 2 hoạt động lễ và hội đan xen, kết hợp”. Theo đó, ngày mồng 5 diễn ra các hoạt động nấu xôi thi và lấy cỗ xôi thi để tế thánh còn ngày mồng 6 là lễ hội chém lợn. Từ chiều mồng 5, lễ đón ông Ỉ nhập đình được tiến hành theo nghi lễ truyền thống. Hai ông Ỉ được lựa chọn giao cho các ông Đám (độ tuổi 49) có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay từ rằm tháng Tám âm lịch. Từ những chú lợn 18 đến 25 kg, đến khi làm lễ lên đến 140kg, có khi 180kg. Hai ông ỉ được rước trên 2 xe, xuất phát lúc 9 giờ sáng từ cổng đình hướng đông, đoàn rước đi vòng quanh làng và quay về từ cổng đình hướng tây. Lễ chém lợn diễn ra vào “chính ngọ”  tức 12 giờ trưa, đây là thời khắc quan trọng nhất và thu hút đông đảo du khách hiếu kỳ bởi ai cũng muốn được tham dự vào lễ hội độc đáo này.

 

Nếu như lễ chém lợn được nhiều người biết đến với tín ngưỡng dân gian là mong muốn sự sung túc, mùa màng bội thu thì nấu xôi thi cũng không kém phần đặc sắc. Một chiếc cầu khỉ trên cạn được bắc nối 2 bên sân đình để 2 bên thi nấu cơm. Những người tiêu biểu nhất ở lứa tuổi 37 và 38 tập trung thành đội, mỗi đội 3 người lấy gạo và nước từ bên sân này đổ sang chiếc chõ ở bên sân kia để nấu. Cơm trong chõ chín dần bằng lửa củi nhưng không được cháy, muốn vậy phải lấy khăn ướt xoa quanh chiếc nồi trong lúc nấu. Cả hai nồi cơm thi này đều được lấy để tế Thánh. Cùng với hai hoạt động này, lễ hội đình làng Ném Thượng còn có các trò chơi dân gian khác như: đập niêu, bịt mắt bắt dê, vật, chọi gà và hát Quan họ trên thuyền. Có một điều quan trọng nhất trong lễ hội làng Thượng từ trước tới nay là tuân thủ nghiêm túc quy định về độ tuổi của người tham gia vào các hoạt động lễ hội. Ở cuộc thi nấu xôi ngày mồng 5 chia làm 2 bên: 1 bên độ tuổi 37 và 1 bên độ tuổi 38, còn 2 ông Đám được giao nuôi ông Ỉ thì phải tuổi 49, người phất cờ chiến ở tuổi 57.

Nguồn: website báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT