Tin tức - Sự kiện

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng: Tu bổ đền, lăng đón ngày giỗ Tổ

Cập nhật: 04/03/2010 16:03:26
Số lần đọc: 3434
Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (hay còn gọi là núi Nghĩa Cương, Bảo Thiết Lĩnh, hay là núi Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, cách Hà Nội 85km, và cao 175m so với mực nước biển.

Tương truyền Đền Hùng được dựng trên mảnh đất thần linh “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” hướng Nam thuộc Dương là hướng của Bát Nhã. Đứng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh hùng vĩ ta mới cảm thấy cảnh thế ngoạn mục, đất hun hút của khí thiêng sơn chầu thuỷ tụ.

 

Với tấm lòng hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên, từ xa xưa, hàng năm nhân dân ta đến tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương. Từ năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Tuần phủ tỉnh Phú Thọ chủ trì lễ hội và đưa ngay lễ hội Đền Hùng theo nghi thức Nhà nước. Nhưng trước đó thì lễ hội Đền Hùng đã được tiến hành với sự tham gia của đồng bào cả nước. Nghi thức tế lễ nhà nước do Nhà Nguyễn tiến hành vào 10/3 âm lịch là lấy theo ngày giỗ Vua Hùng thứ nhất tức là Kinh Dương Vương. Theo lệ, nghi thức lễ hội cứ 5 năm một lần, gọi là chính lễ Tổ vào năm chẵn. Vào năm chính hội, theo thông lệ, từ mồng một tháng giêng người dân đã treo cờ thần trên đỉnh núi Nỏn để báo cho đồng bào cả nước biết.

 

Sau bao thăng trầm lịch sử, thời gian đã làm cho các công trình thuộc khu di tích xuống cấp. Được sự chỉ đạo của Nhà nước, Ban quản lý khu di tích Đền Hùng đã nhiều lần tiến hành tu bổ, tôn tạo lại nhưng vẫn chưa xóa được những dấu tích của thời gian in hằn lên từng thớ gỗ, từng mái đền. Năm qua, Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng đã tiến hành tu bổ, tôn tạo lại

Đền Hùng một cách quy mô nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp giỗ Tổ 2010.

 

Đền Hạ, chùa Thiên Quang và Đền Giếng không có sự thay đổi, vẫn giữ nguyên hiện trạng. Ban quản lí dự án tu bổ Đền Hùng hiện đang tập trung vào việc tôn tạo lại Đền Trung, Đền Thượng, cố gắng hoàn thành trước dịp giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới.

 

Đền Trung có sự thay đổi về kiến trúc. Trước, đền được xây theo hình chữ Nhất, sau khi xây dựng lại sẽ theo hình chữ Nhị. Đền cũ có diện tích 64m2, khung mái làm bằng gỗ lim hỗn hợp, không cột, có kì kèo, sườn mái làm bằng gỗ. Tường được xây bằng đá ong và gạch hỗn hợp nhưng đá ong là chủ yếu. Mái được lợp ngói mũi hài. Đền mới được xây trên nền cũ, với diện tích 154m2, kết cấu khung cột, sườn mái kì kèo bằng gỗ lim. Nhà Hạ dài 9,9m so với trước chênh tới 1,8m, rộng 3,8m (giống như trước), cao 4,8m (chênh 0,1m so với trước). Nhà Hậu cung dài 9,9m chênh tới 1,8m, rộng 4,4m, cao 5m. Giữa hai nhà có sân dài 9,9m, rộng 3,2m. Tổng chiều dài là 15,6m, chiều rộng là 9,6m.  Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là bởi năm 1997, khi tiến hành tu bổ đục tẩy bột vữa thấy có hai cửa ra vào và một ô cửa sổ ở giữa giống như lối vào ở phía trước. Điều đó chứng tỏ còn có một nhà ở phía sau nữa. Đến năm 2009, trong quá trình thi công mới đây lại phát hiện có một dãy đá chân tảng, chìm dưới 70-80cm vẫn thấy hiện rõ, chứng tỏ trước đây đã có nhà làm bằng cột.

 

Trên cơ sở tu bổ nhưng vẫn duy tôn những nét cũ, Đền Thượng đã tu bổ ra hai bên 0,9m. Việc dựng kiến trúc Đền Thượng đã có hai lần điều chỉnh: một là, điều chỉnh thiết kế giằng chống nghi môn, làm nhà tạm để thắp hương, bỏ không làm nhà để hiện vật; hai là, điều chỉnh thiết kế hạ giải nghi môn để xây lại bằng chất liệu bền vững. Tường hậu của Hậu cung Đền chính đã được mở rộng, vì theo ý kiến của giáo sư sử học Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng khoa học Di sản Bộ Văn hóa thông tin để có lối thông thủy phía sau bàn thờ. Kết cấu Đền Thượng có móng giằng bê tông cốt thép tạo sự vững chắc cho công trình. Tường và nền lát gạch bát. Khung cột xà giằng sườn mái bằng gỗ lim. Mái lợp ngói mũi hài. Khung khuôn cánh cửa bằng gỗ lim, thượng song hạ bản, được đục chạm tinh xảo hai mặt. Bậc lên xuống trước, trong nhà và hai bên bằng đá xanh Thanh Hóa. Sau nhà có bồn đất hàng lan can đá xanh Thanh Hóa.

 

Công trình Lăng mộ Vua Hùng thứ 6 cũng được tu bổ, tôn tạo lại toàn bộ phần vữa trát trong ngoài, ốp mộ bằng đá xanh Thanh Hóa trên cơ sở giữ nguyên trạng móng, nền, tường xây.

 

Việc tôn tạo, tu bổ lại một số công trình tại khu di tích Đền Hùng làm cho nơi thờ phụng tổ tiên thêm phần uy nghi, trang trọng, thoả lòng muôn dân hướng về đất tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT