Trưng bày “Nét xuân trên những trang sách xưa”: Giới thiệu hơn 100 cuốn sách cổ, sách quý
“Mục sở thị” những cuốn sách cổ
Trong khuôn khổ triển lãm, sáng 07/03, đã diễn ra buổi toạ đàm “Thú chơi sách ở Việt Nam” nhằm giới thiệu về thú chơi sách, vai trò của người sưu tầm sách trong việc bảo tồn vốn cổ và thảo luận về đường hướng phát triển hoạt động sưu tầm, bảo tồn sách cổ ở Việt Nam. Tham dự buổi toạ đàm gồm: nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, nhà sưu tập Yên Ba, Hoàng Minh, Nguyễn Khắc Bảo...
Nhà sưu tầm Nguyễn Khắc Bảo đến từ Bắc Ninh đã giới thiệu về “kho báu” của mình gồm 52 bản truyện Kiều bằng chữ nôm, trong đó có 32 cuốn là chính bản, còn lại là bản photo. Là một thày lang chuyên bốc thuốc nam chữa bệnh nhưng ông Nguyễn Khắc Bảo có niềm đam mê sách cổ, đặc biệt là truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Vì thế, ông không ngần ngại đầu tư nhiều công sức, tiền của để sở hữu tác phẩm văn học được coi là tinh hoa văn hoá của Việt Nam. “Tôi nghĩ, thú sưu tầm sách cổ nhiều khi cũng là do cái duyên. Có những cuốn có tiền chưa chắc đã mua được nhưng có những cuốn tôi có được là do rất tình cờ”, ông Bảo bộc bạch.
Không chỉ có bộ sưu tập truyện Kiều cổ, tại triển lãm, độc giả còn được “mục sở thị” cuốn “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tái bản lần 2 năm 1946, do Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành, cuốn in lần đầu năm 1938 hiện đã tuyệt tích, bản in đầu tiên cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân, các bản sách xưa của các nhà văn, học giả, nhà khảo cứu, nhà báo như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Đạo Thuý, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Dương Quảng Hàm...
Đến với triển lãm “Nét xuân trên những trang sách xưa”, người xem như được tìm thấy trong đó cả một kho báu về văn học Việt
Hướng đi nào cho sách cổ Việt
Tại buổi toạ đàm, dịch giả Thuý Toàn - Giám đốc Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây cho biết: “Triển lãm giới thiệu sách cổ, sách quý lần này là bước khởi đầu để quảng bá đến đông đảo độc giả trong và ngoài nước về kho tàng sách của Việt
Nhà sưu tập Hoàng Minh (TP Hồ Chí Minh) - người tự cho mình là kẻ ngoại đạo của văn học, nhưng là một trong số ít người ham mê sưu tập sách văn học cổ Việt Nam- cho rằng, để sách cổ trở về đúng giá trị thật của nó, cần có một tổ chức xã hội của người sưu tầm sách, các thành viên trao đổi thông tin, tư liệu cho nhau. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các tổ chức nhà nước về văn hoá để khơi dậy sự quan tâm của đông đảo người dân với sách cổ, qua đó phát hiện nhiều tư liệu quý còn nằm trong các tủ sách gia đình.
Nói về giá trị của sách cổ đối với thế hệ mai sau, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân khẳng định, những cuốn sách cổ rất có giá trị với việc nghiên cứu văn học, giúp đính chính những sai lầm của việc tam sao thất bản. Trong nhiều trường hợp, người sưu tầm sách cổ là kênh thông tin duy nhất giúp nhà nghiên cứu tiếp cận văn bản quý, hiếm mà các thư viện cũng không có. Vì vậy, thú chơi sách cổ cần phải được quảng bá rộng rãi trong nhân dân, qua đó nâng cao văn hoá đọc cho các tầng lớp trong xã hội.
Ở bất kỳ thời đại nào thì sách luôn là tài sản vô giá của nhân loại, đặc biệt là những cuốn sách cổ, xuất bản từ những thế kỷ trước cần phải được giữ gìn, bảo tồn để thế hệ mai sau hiểu hơn về nền văn học nước nhà.