Lễ hội Xuân (Bắc Giang): Sự kết tụ văn hóa truyền thống
Mà xuất phát điểm là do Bắc Giang nằm trong quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời, nên hầu hết các hoạt động của nhân dân các dân tộc Bắc Giang trước đây đều xoay quanh các hoạt động nông nghiệp. Vì thế nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của họ, thường vào mùa xuân, nhân dân ở khắp các làng quê trong tỉnh thường mở hội không chỉ để nghỉ ngơi mà còn là dịp để thỉnh cầu ước nguyện của người trồng lúa với trời đất, thánh thần tổ tiên: "Mong trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày... ". Và qua các lễ hội cầu mưa, rước lửa thần, xuống đồng ... người ta gửi gắm hy vọng vào một mùa cấy trồng bội thu, một năm các công việc đều " thông đồng, bén giọt” và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho cả làng, cả tổng.
Gắn liền với lễ hội là các cuộc thi tài, vui chơi giải trí với những tục chơi dân gian, tiêu biểu phải kể đến như: Hội vật làng Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), hay hội thi kéo cóc ở hội đình Phù Lão, xã Đào Mỹ (Lạng Giang), thi đua ngựa, bắn cung nỏ ở hội đình Vồng, xã Song Vân (Tân Yên), và múa sinh tiền ở hội làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên)… Ban đầu là vậy, nhưng theo sự luân chuyển của thời gian, lễ hội không chỉ đơn thuần là những nghi thức thờ cúng của một khu dân cư nông nghiệp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước, như lễ hội Xương Giang của thành phố Bắc Giang hay hội Cần Trạm, Hố Cát (Lạng Giang)… Và những hoạt động khác của xã hội, như: Tôn giáo, nghệ thuật...
Ở Bắc Giang có lẽ hầu hết ở làng nào, xã nào cũng có đền, chùa thờ phụng các vị vua anh minh, anh hùng đánh giặc cứu nước, quan thanh liêm, tổ sư của nghề... Vì thế hàng năm, làng thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức các bậc thánh nhân ấy, đồng thời giáo dục con cháu hướng về cội nguồn. Lễ hội gồm những nghi thức trang nghiêm, thiêng liêng của phần lễ và các hoạt động vui vẻ ở phần hội đã trở thành một dòng chảy nội tại nối kết quá khứ và hiện tại, nối kết con người với con người, con người với cộng đồng làng xã và dân tộc. Trong bầu không khí linh thiêng của lễ hội, đạo lý làm người, đối nhân xử thế của nhân dân cũng được tiếp nhận nhuần nhuyễn: "Uống nước nhớ nguồn", "Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Học ăn, học nói, học gói học mở ". Những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang), hay hội Suối Mỡ (Lục Nam), hội hát dân ca các dân tộc huyện Lục Ngạn, lễ hội Cần Trạm, Hố Cát (Lạng Giang), hội Yên Thế; hội chợ đình Cao Thượng (Tân Yên)… đã trở thành niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Do vậy, mặc dù phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao đau thương bởi những cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng nhân dân các dân tộc Bắc Giang đến tận bây giờ vẫn còn lưu truyền những câu dặn dò nhau :
"Dù ai buôn bán trăm nghề.
Nhớ ngày Hội mở của làng về chơi."
Hay "Đồn rằng hội Kế tháng Ba
Không đi xem hội cũng già mất thân ".
Cùng với những nghi lễ trang nghiêm của đoàn rước thánh, xen lẫn trong tiếng trống gióng giả của hội xuân là những miếng vật hay, những động tác biểu diễn đẹp mắt của các chàng trai, cô gái tham gia đua tài đã gieo vào lòng du khách thập phương về trẩy hội tới xem và thưởng ngoạn một nét đẹp văn hoá tinh thần trong các lễ hội xuân truyền thống ở vùng đất giầu truyền thống thượng võ và văn hiến Bắc Giang.