Hồ Inle (Myanmar): Thiên đường của những cặp tình nhân
Inle là hồ nước ngọt lớn thứ hai tại Myanmar với diện tích bề mặt lên tới xấp xỉ 250km2, nằm ở độ cao khoảng 880 mét so với mực nước biển. Hồ nằm trên địa phận bang Shan và cách trung tâm Heho, cửa ngõ vùng hồ Inle và vùng Kalaw chưa đến chục kilomet đường.
Bạn đã từng tới Myanmar? Đã từng choáng ngợp trước Bagan thần thánh? Và phiêu du bồng bềnh khi được lướt sóng trên hồ Inle?
Những người dân ở vùng hồ Inle (được gọi là người Intha) sinh sống ở bốn thành phố gần giáp với hồ, những ngôi làng nổi dọc theo ven bờ và cả những ngôi nhà nổi giữa lòng hồ mênh mông sóng nước. Ngoài người Intha thì ở đây còn có thêm một bộ phận nhỏ những dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống như người Shan, Taungyo, Pa-O (Taungthu), Danu, Kayah, Danaw và Bamar. Phần lớn người dân theo đạo Phật và sống tự cung tự cấp là chủ yếu. Một bộ phận nhỏ cư dân kiếm sống bằng nghề phục vụ du lịch, và chính những điều đó đã tạo cho Inle một môi trường du lịch rất tốt, vừa đủ đầy các dịch vụ vừa vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hoá của vùng miền.
Khá nhiều du khách chọn làng Nyaungshwe làm nơi dừng chân khi tới khám phá hồ Inle, dù họ sẽ ở miền đất nổi này chỉ trong một hay dăm ba ngày. Đây là nơi mà du khách dễ dàng thuê thuyền để băng qua hồ Inle, tận hưởng những khoảnh khắc phiêu du và thú vị hay khám phá những ngôi làng nổi với phong cách rất riêng trên lòng hồ.
Nyaungshwe nằm trên bờ hai con kênh lớn là Nam Chaung và Mong Li. Bến thuyền chính của làng nằm tại ngã tư kênh Nam Chaung cắt một con kênh không tên khác và cách trung tâm hồ Inle khoảng chừng 3km. Nyaungshwe là một thị trấn du lịch với vô số các nhà nghỉ và khách sạn, nhà hàng cũng như các cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ và lưu niệm được mang đến từ các làng nghề quanh vùng hồ. Chợ Mingala nằm gần kênh Mong Li là nơi luôn đánh thức ngày mới ở làng Nyaungshwe bằng sự ồn ào náo nhiệt của tiếng xuồng máy ầm ào chạy trên kênh, tiếng người xuống chợ xôn xao, những thanh âm của cuộc sống rộn ràng và hối hả. Người ta mang đến chợ cá tươi và các sản phẩm được trồng trọt trên những khu vườn đất nổi hiếm hoi quanh hồ.
Nằm cách thị trấn chưa đến nửa cây số trên đường đi Shwenyaung là ngôi chùa Shwe Yaunghwe Kyaung nổi tiếng với những ô cửa sổ hình oval bằng gỗ teak và hình ảnh những nhà sư trẻ trong màu áo cà sa đỏ đậm lướt qua ô cửa đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt của hồ Inle. Các nhà sư ở đây cũng như ở các tu viện khác như Hlaing Gu Kyaung, Shwe Gu Kyaung hay Kan Gyi Kyaung bên kênh Mong Li và trên đường Myawady luôn chào đón và thân thiện với du khách, tuy nhiên bạn nên chú ý để không làm phiền họ vào các giờ học kinh.
Nyaungshwe thực sự như một cánh cổng để đến với hồ Inle, nơi bạn tìm thấy những nét riêng đặc biệt trong cuộc sống của người Intha, người Shan… để rồi bước chân lên thuyền bắt đầu một hành trình phiêu du đầy nắng và gió.
Rất nhiều du khách đến với hồ Inle mỗi ngày, nhưng bạn sẽ không cảm thấy sự có mặt đông đúc của du khách bởi vùng hồ quá rộng lớn và những ngôi làng nghề nằm rải rác. Bạn sẽ chỉ gặp đôi chiếc thuyền máy chở khách du lịch băng băng lướt sóng trên mặt hồ lóng lánh, ngược xuôi, xuôi ngược. Tình cờ gặp một số người nước ngoài trong các nhà hàng, khách sạn, hoặc các khu làng nghề.
Để đến khu trung tâm của vùng hồ, nơi có vô số những resort nổi xinh đẹp và cuốn hút toạ lạc, bạn sẽ có chừng 2 giờ chạy thuyền từ cánh cổng làng Nyaungshwe. Ngay khi chiếc thuyền vừa vượt qua khỏi đoạn eo của con kênh nhỏ, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự choáng ngợp và mênh mang của cảnh sắc thiên nhiên vùng hồ Inle. Những đàn chim trắng sải cánh tung tăng nô đùa trên mặt nước, bay vút theo đuôi những con thuyền. Những người đánh cá bé nhỏ giữa bao la đất trời, tay lưới, chân chèo đang cần mẫn với công việc mưu sinh.
Chèo thuyền bằng một chân là một nghệ thuật đặc biệt của đàn ông vùng hồ Inle. Trong chiếc váy longyi truyền thống, họ đứng ở mũi thuyền và dùng một chân để khoả mái chèo, rất tài tình và khéo léo để điều khiển hướng đi của con thuyền. Phụ nữ không chèo thuyền giống như đàn ông, họ ngồi trong lòng thuyền và khoả tay chèo. Những chiếc thuyền chở đầy cỏ, lau, lương thực len lách giữa những mảnh đất nổi bồng bềnh, nơi người dân đã trồng trọt và tạo thành những khu vườn nổi trên hồ. Và những ngôi nhà bằng gỗ, hàng hiên treo những giỏ hoa đầy màu sắc, vừa như mong manh mà lại rất vững chãi giữa mặt nước và bầu trời.
Săn hoàng hôn xuống trên hồ Inle với những nghệ sĩ chèo thuyền bằng một chân và chiếc lưới đánh cá, có lẽ là một trong những kỷ niệm và khoảnh khắc ấn tượng nhất của hành trình. Khoảng 4 giờ chiều, mặt trời dần chếch bóng, gió hồ trở nên lạnh giá và vi vút. Con thuyền bé nhỏ chạy loanh quanh khu vực có bán kính rộng nhất của lòng hồ. Người lái thuyền như hiểu ý những tay thợ săn nghiệp dư đang muốn tìm hình ảnh của nữ thần mặt trời với cuộc sống của hồ Inle, lặng lẽ nổ máy đưa con thuyền chạy đến bên cạnh những chiếc thuyền cá đang thu lưới trên hồ, tắt máy, thả trôi, rồi lại nổ máy, tắt máy và thả trôi.
Chiều buông, mặt nước không còn lấp lánh ánh kim như khi chúng ta mới đi qua giữa trưa ngày ngợp nắng. Bóng chiều đỏ ối buông tấm áo thẫm màu lên không gian, những dải núi dài sẫm lại, bóng người nghệ sĩ chèo thuyền một chân in vào nước, vào núi đẹp như một bức tranh. Thảng có lúc, tiếng đập mái chèo xuống nước vang lên rồi rơi vào thinh không tĩnh lặng, những bọt nước toé lên, lấp lánh trong ánh chiều buông …
Đêm trên lòng hồ Inle, yên tĩnh và êm ả lạ lùng. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió miên man chạy trên mái nhà, tiếng sóng nước vỗ vào chân bờ ì oạp… Ta nhuw được cầm tay bạn mình, siết chặt, nồng ấm và hít căng lồng ngực thứ không khí gợi tình phiêu lãng của một vùng hồ mênh mênh mang mang…