Thừa Thiên – Huế: Khánh thành công trình Hiển Đức Môn - Lăng Minh Mạng
Đây là một những hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế (26/3).
Được Quỹ Di tích Thế giới (WMF) ưu tiên là một trong 100 công trình phải trùng tu trên thế giới, Lăng Minh Mạng đã lần lượt được tu bổ các hạng mục quan trọng là Tường thành, Sùng Ân Điện, Bi Đình từ năm 1998 đến 2001. Với kết quả đạt yêu cầu cao nên đầu năm 2008, WMF đã tiếp tục tài trợ 75.000 USD và cùng tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tài trợ 3,2 tỷ USD để tu bổ Hiển Đức Môn - cổng chính dẫn vào khu vực tẩm điện, nằm trên trục Thần Đạo của lăng Minh Mạng.
Tổng diện tích của Hiển Đức Môn là 114,475m² với chiều cao tính từ mặt sân phía trước là 9,01m. Dự án "Bảo tồn, trùng tu di tích Hiển Đức Môn - Lăng Minh Mạng được khởi công từ tháng 7/2008 với tổng mức đầu tư là 4,28 tỷ đồng.
KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Công trình được các nghệ nhân kinh nghiệm tiến hành trùng tu trong ba năm, sử dụng tối đa các vật liệu truyền thống là: gỗ, các loại vữa cũ, ngói, gạch lưu ly, sơn ta, quỳ vàng... kết hợp với công nghệ thi công truyền thống nhằm hạn chế tối đa tác động thiên nhiên đến di tích. Do dùng phương pháp trùng tu khảo cổ như: phân tích chất liệu để xác định thành phần, công nghệ xưa và thời điểm xây dựng; bóc tách theo lớp sơn thếp, áo tường, lát nền để phục chế đúng hiện trạng cũ… nên Hiển Đức Môn được các chuyên gia đánh giá là rất giống với thời vua Minh Mạng xây lăng.
Công trình được thực hiện với sự hợp tác của tập thể kiến trúc sư, kỹ sư và các nghệ nhân mộc, nề, ngõa, sơn son thếp vàng của đơn vị thực hiện là Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung với sự phối hợp của tổ giám sát, BQL Dự án Di tích Cố đô Huế.
Tại buổi lễ khánh thành, Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cám ơn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Quỹ Di sản thế giới đã tài trợ bảo tồn trùng tu tôn tạo Hiển Đức Môn - một hạng mục công trình tiêu biểu của lăng Minh Mạng. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa hiện nay; là thái độ và trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp đối với các di sản văn hóa; đồng thời cũng là nghĩa cử cao đẹp để tri ân với người quá cố đã có công khởi xướng hình thành ngành than Việt Nam ngày nay.