Hoạt động của ngành

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) chuẩn bị những ngày lễ hội

Cập nhật: 02/04/2010 09:04:57
Số lần đọc: 2958
2010 là năm có nhiều ngày lễ lớn đối với dân tộc Việt Nam, trong đó có ngày Quốc lễ Giỗ tổ 10/3 mở đầu cho các hoạt động tiến tới kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Quốc lễ Giỗ Tổ năm nay, Đảng và Nhà nước đã đầu tư tu bổ tôn tạo các công trình kiến trúc thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh để xứng đáng là di tích lịch sử đặc biệt quốc gia. Đền Thượng được tôn tạo khang trang bề thế, sân vườn được mở rộng để đón đồng bào cả nước về tri ân công đức Tổ Tiên. Đền Trung cũng được tu bổ tôn tạo khang trang hơn.

 

Từ cổng đền xuống đến chân núi nhìn về phía Tây có sân Trung tâm lễ hội sức chứa vài vạn người. Xung quanh núi Nghĩa Lĩnh các đường dạo được tu sửa nâng cấp. Những cây xanh bản địa được trồng mới theo từng hàng lớp, tạo cảnh quan môi trường thêm hấp dẫn đối với du khách.

 

Khu vực ngã năm Đền Giếng tập trung các cửa hàng dịch vụ được sắp xếp lại với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú giúp cho du khách lựa chọn những vật lưu niệm khi về thăm đất Tổ. Các cửa hàng ăn uống, giải khát của Trung tâm Dịch vụ du lịch sạch sẽ, với đội ngũ tiếp viên chu đáo, giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng được thực đơn cho các đoàn khách tới thăm quan Đền Hùng.

 

Năm nay, khi du khách về dự lễ hội còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của 32 nhà điêu khắc quốc tế và trong nước - là thành quả của Trại Sáng tác Điêu khắc quốc tế lần 2 tại Phú Thọ đặt tại Đền Hùng với chủ đề “Ấn tượng đất Tổ Hùng Vương”. Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được trưng bày xung quanh hồ nước trong xanh bên chân núi Nỏn, tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách tham quan.

 

Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào cả nước, nhiều công trình mới thờ tự các bậc tiền nhân có công với đất nước đã được đầu tư xây dựng. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại núi Sim trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là các đền thờ cha “Rồng”, mẹ “Tiên” của con cháu Lạc Hồng. Những ngôi đền mới được xây dựng khang trang bề thế, ngày ngày đón con cháu về tưởng nhớ tiền nhân, nhớ tới cội nguồn “cùng chung một bọc” với nghĩa “đồng bào” để gắn kết cộng đồng tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

 

Trước Hội năm nay Khu di tích lịch sử Đền Hùng có nhiều đổi mới, sẵn sàng đón đồng bào cả nước, kiều bào ở xa Tổ quốc và du khách bốn phương.

 

Chuẩn bị cho ngày Quốc lễ, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 cấp Nhà nước được Chính phủ quyết định thành lập. Các tiểu ban đang gấp rút triển khai các nhiệm vụ để phục vụ tốt nhất cho lễ hội.

 

Lễ hội Đền Hùng năm nay được mở từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 năm Canh Dần, mở đầu là đêm khai mạc giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng gắn với những ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đa sắc màu của các tỉnh vùng Đông Bắc.

 

Sau đêm khai mạc, các hoạt động văn hóa, thể thao trong chương trình lễ hội Đền Hùng và ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các tỉnh Đông Bắc sẽ diễn ra ở Trung tâm của Di tích lịch sử Đền Hùng và Thành phố Việt Trì.

 

Trong thời gian 10 ngày diễn ra Lễ hội tại Đền Hùng, ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đã tổ chức như các năm trước, sẽ có 2 đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật độc đáo với chủ đề “Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng” và màn sử thi võ thuật dân tộc “Hào khí đất Việt”. Đặc biệt là chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì người nghèo đất Tổ” tối ngày 09/3 năm Canh Dần, nhằm động viên đồng bào về dự Lễ hội tham gia đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa giúp các gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

 

Lễ hội Đền Hùng đang đến gần - mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đều là con cháu Lạc Hồng, cùng hướng về nơi linh thiêng thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước với tấm lòng thành kính tri ân.

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba...”.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục