Chương trình Festival Huế 2008
Trong festival Huế 2008, có 7 lễ hội chính sẽ diễn ra rải rác từ ngày 3 đến 11/6 tại nhiều địa điểm.
Đêm Hoàng Cung có dạ tiệc và không có dạ tiệc đều diễn ra tại khu vực Đại Nội vào các ngày mùng 3, 6 và 9.
Lễ tế Nam Giao từ Điện Thái Hòa-Ngọ Môn đến bến Nghinh Lương Đình và Trai Cung qua đàn tế diễn ra ngày mùng 4.
Lễ hội “Huyền thoại sông Hương” có không gian từ ngã ba Bằng Lãng về bến Phu Văn Lâu vào hai ngày 5 và 6.
Lễ hội Tiến sĩ võ từ Điện Thái Hòa-Ngọ Môn đến quảng trường Phu Văn Lâu được tổ chức vào ngày mùng 7.
Lễ tế Xã Tắc vào ngày mùng 10 từ Điện Thái Hòa-Ngọ Môn đến Đàn Xã Tắc.
Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung diễn ra ngày mùng 6 tại khu vực núi Bân.
Lễ hội Áo dài được trình diễn tại khu vực trước cửa Hiển Nhơn ngày mùng 10.
Các chương trình nghệ thuật của Việt Nam và các đoàn quốc tế như: triển lãm tranh tường của Đức, triển lãm hình ảnh các dân tộc thiểu số của Pháp, Viện âm nhạc Namdo-Hàn Quốc, Ca kịch Huế, Múa bụng Thổ Nhĩ Kỳ, Xiếc Ca-na-đa, Ca múa nhạc Hoàng gia Cam-pu-chia, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Múa O-ki-na-oa Nhật Bản… sẽ lần lượt trình diễn luân phiên nhau vào buổi tối trong tất cả các ngày tại các sân khấu thuộc khu vực: Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội (Duyệt Thị Đường, Cung Diên Thọ, Hồ Ngọc Dịch, Điện Kiến Trung, Hiển Lâm Các…), Cung An Định. Lịch cụ thể giờ giấc, địa điểm từng chương trình nghệ thuật này có tại các điểm bán vé hoặc trên website: www.huefestival.com
Bên cạnh lịch diễn ra các lễ, các hoạt động nghệ thuật thì các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cộng đồng cũng sôi nổi diễn ra. Một lễ hội triển lãm rất đặc trưng sẽ diễn ra trên khắp đường phố, các nhà triển lãm với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú kéo dài trong suốt 9 ngày diễn ra Festival như: Họa sĩ Lê Bá Đảng với bộ sưu tập mới và tác phẩm “Mặc áo cho cây” tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng; Nữ họa sĩ Tô Bích Hải với các tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu gỗ nhà rường xưa tại công viên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh và sưu tập 50 bộ trang phục của các dân tộc thiểu số. Đào Hoa Nữ tiếp tục tham gia Festival Huế với bộ ảnh nghệ thuật mới bằng một nét rất riêng: “Cây đa, bến nước, con đò”. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Huế với "Khoảnh khắc Festival". Triển lãm “Mỹ thuật 6 tỉnh Bắc Miền Trung" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm “Cổ vật, đời sống cung đình Huế” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tại Tả Vu và Trường lang Tử Cấm Thành, Triển lãm “Thư pháp tiền vệ” tại UBMT Tổ quốc TP Huế đường Hà Nội, “Ảnh nghệ thuật Đạo và Đời” của tác giả Trần Việt Văn tại Trung Tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán. Triển lãm “Tem Nhã nhạc Việt Nam”; Trưng bày “Bộ sưu tập Đồng thời Nguyễn” tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế. Trưng bày “Những kết quả nghiên cứu thời Tây Sơn ở Thuận Hóa Phú Xuân Thừa Thiên Huế” ở 4 Hoàng Hoa Thám. Các cuộc triển lãm hưởng ứng “Hội ngộ Bắc Trung Nam” của cơ sở Khánh Hà, Trưng bày tổng hợp tại 32 Đào Duy Anh (Phan Văn Thắng. Festival Thơ Huế với Quảng trường thi ca và những sinh hoạt diễn xướng, ngâm thơ, giới thiệu tác giả tác phẩm ở nhiều địa điểm. Ngoài ra tại Đường đi bộ Nguyễn Đình
Chiểu, Công viên 3-2 các chương trình âm nhạc đường phố, chân dung ký họa, nghệ thuật sắp đặt, chợ sách giảm giá và hàng lưu niệm sẽ liên tục được tổ chức.
Hội thảo “Thuận Hóa Phú Xuân và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung” nhân kỷ niệm 220 năm sự kiện đăng quang của hoàng đế Quang Trung tại núi Bân. Hội chợ triển lãm Thương mại Du lịch quốc tế với hàng trăm gian hàng của các doanh nghiệp trong ngoài nước, các tỉnh, thành phố trong nước tại 57 Triệu Ẩu từ 3 đến 09/6/2008 cũng là những hoạt động đáng quan tâm trong dịp này.
Ngoài ra, từ 6 đến 08/6, các du khách có con nhỏ cũng có thể cho các bé tận hưởng không khí festival trong một không gian riêng dành cho thiếu nhi với Hành trình nối dài truyện cổ tích 2008 “Đổi chuông gió lấy một ngôi trường - Nối những tấm lòng vì vạn trái tim” tại khu vực công viên 3-2. Tại đây các bé sẽ được tham gia triển lãm sản phẩm thiếu nhi tự làm như tranh, diều, lồng đèn (ngày 6); hát, múa, vẽ, làm “Cánh diều cổ tích”, làm mặt nạ, chơi trò chơi dân gian các nước (ngày 7); diễu hành đường phố, đá bóng, bán đấu giá tranh (ngày 8)…
Với lịch trình cụ thể và phong phú này, Ban tổ chức Festival Huế hy vọng sẽ mang đến cho tất cả du khách của mình một không gian lễ hội thực sự, một đại tiệc của những đêm biểu diễn nghệ thuật và một không gian cộng đồng gần gũi, thân thiết, đầy lòng nhân ái.