Lào Cai gắn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch
Trên cơ sở, khảo sát, thống kê, Lào Cai lựa chọn bảo tồn một số di sản văn hóa tiêu biểu phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch. Đến nay, tỉnh đã bảo tồn được 3 làng cổ truyền thành 3 điểm, tuyến du lịch hấp dẫn du khách khi đến Sa Pa như: làng thổ cẩm Tả Phìn, Làng chạm khắc bạc Cát Cát, làng văn hóa phi vật thể Tả Van, Bản Hồ... phục dựng 12 nghề thủ công truyền thống, xây dựng được 20 đội văn nghệ tiêu biểu ở 12 điểm du lịch. từ thành phố Lào Cai đến Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn... Hiện toàn tỉnh đã có 16 di tích được công nhận cấp tỉnh, 12 di tích được công nhận cấp quốc gia. Phần lớn các di tích được xếp hạng đã thực sự trở thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Đặc biệt các khu di tích Đền Thượng, đền Bảo Hà trong 2 năm gần đây thu hút đông đảo du khách viếng thăm. Công tác bảo tồn đã tập trung vào các di sản văn hóa trọng điểm, có giá trị cao và gắn với việc khai thác nguồn lợi các di sản phục vụ xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Việc nghiên cứu, khai thác phát triển giá trị di sản văn hóa dân tộc Lào Cai đã tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm có thương hiệu gắn với các di sản văn hóa đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần các sản phẩm cùng loại.
Trên cơ sở các hoạt động khảo sát, sưu tầm, bảo tồn có hệ thống, Lào Cai đã mở tuyến du lịch văn hóa “Về cội nguồn” nhằm khai thác lợi thế du lịch văn hóa phục vụ xóa đói giảm nghèo. Đến nay, Lào Cai đã xây dựng được 12 mô hình làng văn hóa du lịch, 34 mô hình làng văn hóa tín ngưỡng...
Các làng văn hóa du lịch hoạt động hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30% xuống 9%. Người dân tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch đều có mức thu nhập gấp 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là thôn Bản Dền, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Cát Cát (Sa Pa), Bản Phố, Tà Chải (Bắc Hà) Nghĩa Đô, Bảo Hà (Bảo Yên) đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ có thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/năm. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng thiết chế văn hóa thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh đang góp phần bảo tồn, làm giàu bản sắc văn hóa thông qua các sinh hoạt cộng đồng.
Tinh thần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã được Lào Cai thực hiện theo cách riêng của mình, từ việc triển khai có bài bản, tập trung mọi nguồn lực, xác định thứ tự ưu tiên đến gắn chặt với phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai lạc quan cho rằng, năm 2010, Lào Cai sẽ hoàn thành tổng kiểm kê, khảo sát, phân loại di sản văn hóa, cơ bản hoàn thành việc sưu tầm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc ở Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010. Triển khai chương trình nghiên cứu “mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản văn hóa trở thành hàng hóa ” góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Công tác này cũng chú trọng nghiên cứu tri thức bản địa, bí quyết hành nghề, đề xuất việc cải tiến mẫu mã, tổ chức sản xuất gắn với tham quan du lịch.