Nhìn ra thế giới

Jaipur (Ấn Độ): Thành phố màu hồng

Cập nhật: 05/05/2010 10:14:11
Số lần đọc: 3987
Thành phố Jaipur cách Thủ đô New Dehli 262 km, được mệnh danh là “thành phố màu hồng” và là thủ đô của vùng Rajasthan thuộc miền Bắc Ấn Độ. Có lẽ Jaipur là thành phố xưa duy nhất được xây theo lối kiến trúc của một đô thị buôn bán được bao quanh bằng những tường thành cao và những đường phố rộng lớn với hai bên là những cửa hàng được xây bằng đá hoa cương hồng.

Người dân bản địa giải thích rằng: “Thành phố màu hồng” chỉ là khu vực thành cổ được xây tường bao xung quanh nằm trong Jaipur. Thành cổ này được vua Maharaja Sawai Jai Singh II trực tiếp vẽ thiết kế và ra lệnh xây dựng năm 1727. Do vậy thành cổ Jaipur được coi là đô thị đầu tiên ở Ấn Độ có thiết kế quy hoạch khi xây dựng. Vua Maharaja Sawai Jai Singh vốn là một nhà toán học đồng thời một nhà thiên văn học đã thiết kế thành phố Jaipur cổ với những đường phố rộng và thẳng, giao lộ tạo ra những góc vuông. Lúc đầu, thành phố cổ Jaipur có 8 cổng thành. Sau này được mở thêm một cổng thành số 9 trên đại lộ Amer. Sau khi thực dân Anh chiếm đóng Ấn Độ, năm 1876, Nữ hoàng Anh Victoria phái Hoàng tử Albert sang thăm Jaipur. Để chào đón Hoàng tử Albert, dân chúng thành phố cổ Jaipur đã quét sơn màu hồng lên toàn bộ các công trình, nhà cửa của thành phố này. Từ đó, thành phố cổ Jaipur được mang tên “Thành phố màu hồng” cho đến nay.

Bên cạnh các đường phố rộng rãi, Jaipur có nhiều con đường nhỏ, hai bên đường những bụi hoa giấy đỏ sẫm chen lẫn những bụi cây khô tạo nên vẻ hoang vu gợi nhớ đến chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của xứ sở Ba Tư ngày xưa. Trái với vẻ tự nhiên, dường như thiếu chăm sóc của những ngôi nhà là cảnh buôn bán sầm uất, tấp nập. Hàng hóa chủ yếu là đồ lưu niệm như thổ cẩm, giày dép, đồ đồng... mang nét đặc trưng dân tộc của Ấn Độ. Dù bỏ cả ngày đi mỏi nhừ chân, nhưng du khách vẫn có thể tiếc rẻ vì chưa biết hết cả các ngõ hẻm, con phố và cả thời gian để mua túi xách, giày dép hoặc những chú lạc đà, chim công... bằng đồng xinh xắn với giá chỉ khoảng 200 - 300 rupee (tiền tệ của Ấn Độ).

Jaipur còn là một trung tâm văn hóa lớn của Ấn Độ. Nơi đây có trường đại học, cao đẳng, đài quan sát thiên văn, cung điện rộng lớn và những pháo đài lớn nhất Ấn Độ... Biểu tượng của Jaipur là cung điện Hawa Mahal ngay trung tâm thành phố. Cung điện còn được gọi là “Cung điện gió”, vì được thiết kế để gió thổi vào mọi ngóc ngách của các gian nhà, phòng trong cung điện. Ở công trình gồm 5 tầng, làm bằng sa thạch ánh hồng huyền bí, có những ban-công trang trí tinh tế cùng 953 ô gió và cửa sổ. Hawa Mahal là điểm đến được ca tụng trên khắp các phương tiện thông tin nói về Jaipur. Công trình hơi giống cái tổ ong này được lãnh chúa Sawaj Pratap Singh cho xây dựng năm 1799 - mô phỏng theo chiếc vương miện của vị thần Hindu trẻ trung, đẹp trai cầm sáo Krishna. Mục đích Sawaj Pratap Singh cho xây dựng cung điện này để cho các cung tần phi nữ có thể nhìn, quan sát cuộc sống thường ngày cũng như những lễ hội trên đường phố Jaipur. Nhưng ngược lại, những người từ bên ngoài vẫn không nhìn thấy được bên trong. Hawa Mahal còn là nơi trốn nóng mùa hè của các thành viên của hoàng gia vì cấu trúc đặc biệt của nó làm những làn gió mát luôn thì thầm thổi nhẹ nhàng ve vuốt, giảm bớt cái nóng hầm hập theo những cơn gió từ sa mạc Đại Ấn chạy về.

Gần đó là City Palace (tạm dịch là Cung điện thành phố) - một tập hợp cung điện hùng vĩ được xây dựng giữa thế kỷ 19 trên một ngọn đồi cao. Từ trên các tháp, các ban-công và các sân thượng, du khách có thể nhìn toàn cảnh Jaipur. City Palace được bao quanh bởi một bức tường cao, có nhiều cổng vào. Ở bên trong, đa số các cung điện hiện được biến thành viện bảo tàng. Những hiện vật trưng bày thể hiện ảnh hưởng của Anh đối với Ấn Độ. Còn có cả một phòng dành cho quần áo môn pô-lô với những bộ áo choàng lộng lẫy của vua quan, đặc biệt là bộ quần áo khổng lồ có trọng lượng hơn 250kg của Maharaja Sawi Madho Singh - người cai trị thành phố Jaipur.

Đến Jaipur, du khách không thể bỏ qua cơ hội tham quan Jantar Mantar – một trong năm đài thiên văn cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 dưới thời Vua Jai Singh II. Hiện nay, đài vẫn còn giữ được nguyên trạng vốn có. Thời ấy, Jantar Mantar giữ một vai trò nòng cốt trong việc dự báo các sự kiện thiên văn học và khí tượng học. Một trong số nhiều báu vật của đài là một đồng hồ mặt trời khổng lồ - lớn nhất Trái đất. Đồng hồ gồm 4 tổ hợp: hai nửa bán cầu hình lõm trên có căng hai sợi dây vuông góc, hai mặt hình tròn mặt phẳng giáp lưng vào nhau giữa mỗi hình tròn gắn một cây đinh ở chính tâm vuông góc với mặt phẳng tròn để chỉ giờ, một tháp thiên văn và những múi hình cung lõm trên có chia độ đặt trong một lỗ lõm là một nửa bán cầu để tính giây. Nguyên tắc tính giờ của đồng hồ này dựa trên sự di chuyển của mặt trời. Người địa phương cho biết, chiếc đồng hồ này từng bị tàn phá do thời gian và chiến tranh. Đến năm 1901, nhà toán học và đồng thời là nhà thiên văn học nổi tiếng Ấn Độ Rashi Vallays đã khôi phục lại. Phần còn lại ngày nay chiếc đồng hồ lớn nhất thế giới vẫn còn nguyên giá trị tính thời gian chính xác đến từng giây.

Phía ngoài thành phố Jaipur là pháo đài Amber - nơi nghỉ ngơi của những người cầm quyền dưới đời hoàng đế Akba. Pháo đài được xây dựng vào năm 1592 trên một ngọn đồi cao bên cạnh hồ Maota. Tương truyền, người ta đến đây bằng cách cưỡi những con voi mặt được tô vẽ. Pháo đài có những bức tranh tường vẽ bằng tay độc đáo, một đại sảnh có những tấm gương lớn và những tòa nhà màu xanh da trời nhạt, màu kem và đỏ đậm. Trên lối đi xuống, du khách gặp rất nhiều người bán hàng rong bán những bức tranh được vẽ bằng tay, khổ A4, màu sắc sặc sỡ.

Bảo tàng Maharaja Man Singh II ở Jaipur, được thành lập vào năm 1959 là nơi trưng bày và giới thiệu những thành tựu của thời vua Maharaja. Đây cũng là nơi triển lãm các sản phẩm vải lụa, khí giới được dùng từ thời đại của Maharaja. Đặc biệt là gian hàng triển lãm nghệ thuật, với những tuyệt tác như tranh thu nhỏ, thảm thêu từ thế kỷ thứ 17...

Nhiều điểm đến hấp dẫn khác ở Jaipur có thể kể đến như Moti Doongri - một pháo đài trên đồi nơi Maharaja Swai Man Singh II đã thay đổi để biến nó giống như một lâu đài Scotland, hay khu vườn Kamak Vrindavan - một tổ hợp đền và công viên được xây dựng năm 1707. Gần đây, khu vườn này đã được khôi phục như vẻ lộng lẫy ban đầu lý tưởng cho những cuộc đi chơi ngoài trời. 

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT