Làng cổ Hoàng Mai – Hà Nội
Xưa, nơi đây là một vùng bao la xóm làng và đồng ruộng, sông ngòi và hồ ao. Theo lệnh chúa đất là Trần tướng quân, nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả gọi là quả mơ, cứ mùa đông thì hoa mai nở trắng ngần, khiến một vùng đất biến thành một trời mây trắng ngần. Ðó là các giống mai vàng, mai trắng, mai hồng mà tên chữ là hoàng mai, bạch mai và hồng mai.
Ðến những năm 80 của thế kỷ 20, làng Ðông Mỹ tức làng Ðông Phù Liệt còn có một cụ Mai Lâm động chủ, tên cúng cơm là cụ Mài có một vườn mai mọc trên ngọn gò nho nhỏ, trồng toàn giống song mai, hoa trắng muốt, mỗi chùm hai bông hoa nở ra hai quả mơ, quả to bằng quả trứng gà con so, mầu vàng tươi, để chín nục, bóp cho mềm rồi hút nước mơ, nó sẽ là một thứ nước cam lồ vừa chua vừa ngọt, vừa thơm vừa bổ, khó quên. Tiếc là sang thế kỷ 21, vườn mai thoái hóa, chết dần sau khi cụ Mài, chủ nhân qua đời.
Rượu làng Mơ (Hoàng Mai) ngon nổi tiếng trong vùng, nên có câu: “Rượu làng Mơ/Cờ Mộ Trạch” (làng Mộ Trạch ở huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương có nhiều ông Trạng cờ rất giỏi); hay “Rượu làng Mơ/Thơ Kẻ Lủ (làng Lủ tức Kim Lũ, quận Hoàng Mai có nhiều người tiến sĩ, hương cống - cử nhân, giỏi thơ ca). Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã nhắc đến thứ rượu này.