Một số di tích tiêu biểu của thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Nhân dân Vĩnh Yên từ xưa đã luôn chăm lo đến việc xây dựng các công trình phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho cộng đồng. Tôn vinh những người có công với quê hương đất nước, ghi nhớ công lao của những người đã khai phá, xây dựng nên mảnh đất này.
Mỗi di tích ở Thành phố Vĩnh Yên đền mang những dấu ấn riêng về nghệ thuật kiến trúc, có những nét khác nhau về quy mô, song du khách đến với di tích ở Vĩnh Yên chúng ta đều thấy có sự gắn bó khăng khít giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, giữa văn hoá di tích và đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây. Trong đó phải kể đến một số di tích điển hình như:
1. Chùa Phú: hay còn gọi là Phú Cung Tự, thuộc địa bàn phường Khai Quang – TP Vĩnh Yên. Ngôi chùa này đã được nhà nước xếp hạng công nhận “ Di tích lịch sử – Văn hoá” vào năm 1995. Chùa Phú khi xưa được biết đến với tên gọi là Đền Quốc tế, chùa được xây dựng vào thời hậu Lê, nơi đây các vua quan phong kiến khi đi kinh lý về đây làm lễ. Chùa Phú được du khách thập phương biết đến nhiều bởi hàng năm nơi đây thường tổ chức các hoạt động lễ hội dân gian. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của cư dân lúa nước đó là lễ hội Múa Mo. Trong lễ hội này được người dân chuẩn bị chu đáo, mang đậm tính lịch sử – văn hoá. Những người tham gia chính gồm bốn thành phần chủ yếu của xã hội: sĩ, nông, công, thương ở phường Khai Quang.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng giêng âm lịch. Đầu xuân tại phường Khai Quang diễn ra hội làng, mọi người dân cùng nhau múa hát, vui hội. Cầu mong cho con cái học hành đỗ đạt, ngô lúa bội thu, buôn bán phát tài, đời sống ấm no hạnh phúc.
2. Đền Đậu: thuộc làng Dẫu, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên. Đây là ngôi đền có tổng thể kiến trúc khá đẹp, nơi đây thờ bà Năng Thị Tiêu – một nhân vật trong truyền thuyết lịch sử thời Hùng Vương dựng nước đã có công đánh đuổi giặc Thục xâm lăng, bảo vệ đất nước. Công tích của bà được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nhân dân nơi đây lập đền thờ nhằm đề cao hình tượng Năng Thị Tiêu – vị nữ tướng tiên phong của Vua Hùng đã anh dũng xông pha nơi chiến trận bảo vệ đất nước, bảo vệ ấm no cho nhân dân.
Đền Đậu được làm vào thời Nguyễn (Thế kỷ XIX) trên một địa thế đẹp, kiến trúc nhỏ gọn. Trang trí kiến trúc có sự chọn lọc về nội dung và bố cục từng bức chạm một cách hợp lý, kỹ thuật đục chạm tinh vi điêu luyện, sơn vẽ tô màu hài hoà, cùng với việc bài trí các đồ thờ cần thiết tạo nên không gian uy linh, ấm cúng của nơi thờ tự.
Đền Đậu là nơi hội tụ của du khách thập phương về đây dâng hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội đầu xuân (15 tháng 2 âm lịch).
3. Đình Cả: thuộc thôn Vĩnh Ninh xưa, nay là phố Đồng Thái, phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên. Đây là ngôi đình lớn được xây dựng đầu thế kỷ XIX, kiến trúc bề thế, uy nghiêm trên một thế đất đẹp, thoáng đãng. Đình Cả là nơi thờ ba vị tướng quân trong Thất Vị Đại Vương đó là: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng,và Lỗ Văn Mẫn.
Theo lịch sử để lại, Vĩnh Yên xưa kia có 5 làng cổ đó là: Làng Đậu – Dẫu, Làng Khâu, Làng Tiếc, Làng Hạ, Làng Sậu, nhân dân thường gọi là 5 làng Tích Sơn. Nơi đây có quần thể các di tích, và là nơi thờ chính của Thất Vị Đại Vương Lỗ Đinh Sơn đã có công giúp nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII. Tại đây hàng năm diễn ra lễ hội của người dân Tích Sơn. Đó là một lễ hội độc đáo, trang nghiêm, diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt mà ít nơi có như: Làm lễ vào ban đêm, khẩn trương vội vã, lễ vật đếu là món sống, thịt lợn không cạo lông, gà vặt lông nhôm nhoam, cơm trong dân nấu đầy nồi… Thực chất đây là mô phỏng tích truyện về cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống giặc Nguyên Mông dưới sự lãnh đạo của bảy anh em họ Lỗ.
4. Quán Tiên: thuộc địa phận phường Hội Hợp – TP Vĩnh Yên. Tục truyền rằng, Vĩnh Yên có địa thế tựa sơn, đạp thuỷ, rừng núi hiểm trở là nơi tụ nghĩa quân nông dân. Để tập hợp lực lượng nhanh chóng và gây thanh thế, Nguyễn Danh Phương (hay còn gọi là Quận Hẻo) đã huy động lực lượng chỉ trong một đêm xây dựng xong ba gian nhà có ban thờ, hương khói uy linh làm nơi chiêu mộ binh sỹ. Ba gian nhà được xây dựng nhanh như vậy là do trời phật giúp đỡ, cuộc khởi nghĩa của ông là hợp với ý trời chống lại triều đình phong kiến Lê – Trịnh thối nát. Để ghi nhớ công lao của ông nhân dân đã gìn giữ, tôn tạo ba gian nhà gọi là “Quán Tiên” nơi Ông đã tập hợp nghĩa quân nông dân tại đây.
Thành Phố Vĩnh Yên hiện nay có gần 100 di tích, danh thắng. Có nhiều di tích được công nhận xếp hạng “ Di tích Lịch sử – Văn hoá” cấp tỉnh và cấp quốc gia, có nhiều vốn văn hoá phi vật thể đã được đưa vào danh sách bảo tồn cấp Nhà nước. Các di tích và danh thắng của Thành phố Vĩnh Yên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn khách thập phương khi tới đây thăm quan.