Hành trang lữ khách

Du lịch xanh tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

Cập nhật: 07/06/2010 10:06:27
Số lần đọc: 2311
Điều khiến Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) thành một điểm du lịch nổi tiếng ngay từ trước khi hòn đảo này được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009) chính là vẻ hoang sơ, mộc mạc.

Những vách đá dựng lưng chừng, biển xanh, rừng xanh, đảo yến kỳ bí, những ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn dấu tích hàng trăm năm tuổi, người dân thì nồng nhiệt, hồn hậu... đã chinh phục những du khách khó tính nhất.

Khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, du khách bắt đầu biết đến cái tên Cù Lao Chàm. Và khi Cù Lao Chàm trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, đến Hội An, không ai lại bỏ qua cơ hội đến nơi này để được đắm mình trong nắng xanh, gió biển, cát trắng... Không chỉ là khu sinh thái, Cù Lao Chàm còn là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử gắn liền với “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ”, con đường mậu dịch trên biển... Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá: “Cù Lao Chàm là mẫu hình chưa có tiền lệ, nó gắn liền giữa một khu sinh thái với khu di sản văn hóa thế giới”.

Nhiều quan ngại cũng được đặt ra khi Cù Lao Chàm mang danh phận mới. Lượng khách đổ về ồ ạt, phát triển du lịch tại đây sẽ là thách thức không nhỏ trong việc quản lý, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới trước nỗi lo về ô nhiễm, xâm phạm đến sự cân bằng của hệ sinh thái. Chính vì thế, chính quyền Hội An nỗ lực phát triển du lịch xanh- sạch tại nơi đây với mong muốn bảo tồn để phát triển như cách mà phố cổ Hội An vẫn làm lâu nay.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, người dân ở đây rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Hầu như trong làng không có trường hợp người dân tự ý khai thác, chặt phá cây rừng bừa bãi. Chính quyền nơi đây cũng rất hạn chế việc triển khai các dự án du lịch nhằm giảm thiểu tác động của con người vào đảo. Hiện Cù Lao Chàm đang triển khai thí điểm một vài mô hình “homestay” để du khách lưu trú tại nhà dân, cùng sống và sinh hoạt với cư dân tại đây.

 

Du khách tham quan Bảo tàng Cù Lao Chàm

Ngay sau những ngày đầu tiên Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền thành phố Hội An đã phát động phong trào  “Nói không với túi nilon” tại đây. Chiến dịch nhằm triệt tiêu túi nilon - một loại rác khó tiêu hủy đang là nỗi lo môi trường ở các thành phố lớn. Ngoài việc phát túi sinh thái tự hủy miễn phí cho người dân và du khách, Thành đoàn TP. Hội An đã cấp miễn phí gần 3.000 giỏ nhựa cho những hộ dân trên đảo dùng để đựng lương thực, thực phẩm trong sinh hoạt. Hình ảnh những người dân đi chợ bằng giỏ nhựa, gói ghém hàng hóa bằng bao giấy, lá chuối không còn là chuyện lạ ở xã đảo này.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã tổ chức họp và vận động các doanh nghiệp du lịch cùng tham gia và có trách nhiệm trong việc vận động du khách nói không với việc sử dụng các  loại túi nilon. Các đơn vị đưa khách đến Cù Lao Chàm luôn ý thức không mang rác nilon ra  đảo. Nếu khách lỡ mang ra thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom mang về lại đất liền để xử lý.

Hiện nay, mỗi tháng, Cù Lao Chàm đón khoảng 6.000 lượt du khách. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là điện năng. Hiện người dân chỉ dùng điện từ máy phát dầu diesel, nhưng điện chỉ có từ 18 giờ đến 22 giờ. Mới đây, một tập đoàn của Hoa Kỳ đã tài trợ lắp đặt trụ đèn năng lượng mặt trời để cung cấp điện về đêm cho du khách và người dân ở Cù Lao Chàm.

Cù Lao Chàm có 8 đảo với tổng diện tích gần 40.000 ha xếp hàng thành một vòng cung được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Chỉ có một số hòn đảo có cư dân sinh sống với khoảng 3.000 người. Cù Lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước với sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Các kết quả nghiên cứu đã công bố 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo. Hệ thực vật ở đây khá phong phú, đặc biệt là hải sản như bào ngư, ốc vú nàng và tài nguyên yến sào. Các rạn san hô với khoảng 135 loài ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng là nơi các công ty du lịch đưa vào khai thác với dịch vụ lặn, thám hiểm được nhiều du khách ưa chuộng.

 

Nguồn: Báo Văn Hóa

Cùng chuyên mục