Trung Sơn (Tuyên Quang) khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Đồng chí Lưu Ngọc Nhiên, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, Trung Sơn là vùng đất của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Tày, Dao, Kinh, Mông… Các làn điệu dân ca truyền thống, văn hoá dân gian cũng như những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc từ lâu đã thu hút sự quan tâm của những du khách phương xa và của cả những nhà nghiên cứu. Thời gian qua, cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang đã đến xã nghiên cứu khôi phục các làn điệu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao. Việc khôi phục lại các làn điệu dân ca truyền thống sẽ góp phần bảo tồn nét văn hoá đẹp của đồng bào các dân tộc, tuyên truyền rộng rãi nét đẹp đó đến với những người quan tâm. Bên cạnh đó, chợ văn hoá Nà Ho, chợ trung tâm khu vực các xã vùng ATK mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, với ngày phiên họp vào chủ nhật cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn tại đây. Mỗi phiên, chợ thu hút đông đảo đồng bào đến từ các thôn, bản trong xã và từ các xã lân cận, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc văn hoá hấp dẫn, độc đáo.
Trong những năm kháng chiến, Trung Sơn là một trong những nơi ghi dấu những hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương... Hiện nay, Trung Sơn có rất nhiều di tích lịch sử đã được công nhận như di tích Bộ tư lệnh cảnh vệ tại thôn Nà Đẳm, nơi thành lập châu Hồng Thái, tiền thân của huyện Yên Sơn tại thôn Làng Chạp, nơi Bác Hồ và các vị lãnh đạo cách mạng dừng nghỉ chân tại thôn Làng Chạp, khu giao tế (hay khu quan hệ quốc tế) của Chính phủ lâm thời tại thôn Nà Ho... Những năm gần đây, các điểm di tích lịch sử đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự quan tâm của các du khách thập phương. Hàng năm, các điểm di tích này tiếp đón rất nhiều người quan tâm đến lịch sử địa phương.
Bên cạnh việc khai thác các giá trị văn hoá, lịch sử vào phục vụ du lịch, thì các dịch vụ du lịch cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Trung Sơn đã và đang quan tâm, khuyến khích phát triển.