Quả cà trong ẩm thực Việt
Gọi là "đo ni đóng giày" cũng phải, vì nếu như ẩm thực luôn ủng hộ sự sáng tạo, thì riêng với những món ăn làm từ cà pháo, cà bát, cà tím Việt Nam, món ăn phải "cổ điển" một chút mới được người ta mê đắm. Từ món cà muối, cà xổi đến bát cà bung hay đĩa cà nướng.
Đơn giản nhất là món cà muối, nhưng chính trong cách làm món lại toát lên kỹ thuật bếp núc của đất nước hình chữ S, bề ngoài đơn giản mà thực chất cần sự tỉ mỉ và tinh tế. Cách làm cá muối có thể nói đơn giản là dùng nước muối làm chín cà, nhưng để cho cà ngon thì cần phơi qua nắng giúp tạo độ giòn, muốn thơm thì thêm riềng, tỏi, ớt, cần tạo độ ngọt thì nên thêm vài ba thanh mía. Trong mâm cơm miền Bắc, chẳng ai nỡ bỏ qua món ăn này.
Người miền Bắc còn có món cà pháo màu xanh muối xổi, cách thức muối xổi cầu kỳ hơn trong Nam bởi phải muối lại lần hai sau một ngày, để tạo vị ngon. Cà muối xổi miền Bắc có đặc điểm là dùng quả non mà vẫn tạo độ giòn, hạt mềm, cùi khá dày. Với lứa quả già hơn một chút thì đem muối chua bình thường ăn cùng nước rau muống luộc có chút vị chua của chanh (hoặc tùy mùa mà giằm sấu, muỗng, me), thêm vài con tôm rang thì bát trước đưa bát sau đến hết nồi cơm mà không sợ ứ bụng.
Cà muối xổi chấm mắm tôm là món ăn quen thuộc của người dân Bắc và một số tỉnh miền Trung. Cà muối xổi có thể là cà pháo hoặc cà bát. Miếng cà còn tươi và giòn, lẫn với vị cay của ớt, chút ngọt của đường, độ chua dịu của chanh quyện lấy mùi vị đặc trưng của mắm tôm, tạo nên sự khoải khẩu đặc biệt. Với món cà bát sống (đem thái miếng) chấm với mắm tôm, người ăn có thêm thú thưởng thức độ giòn ở vỏ, mềm ở cùi của cà lẫn cùng vị mắm tôm. Đây là ưu điểm của cà bát mà cà pháo không có được.
Như món cà nướng mỡ hành. Chỉ là cà nướng trên than hoa, gỡ bỏ lớp vỏ đã cháy đen để lộ ra lớp thịt trắng nõn nà. Thêm bát mỡ hành xanh mướt rưới lên, trộn đều với nước mắm pha chua ngọt, cứ gọi là ăn quên thôi. Mùi khói oi oi của món cà này không làm người ta khó chịu mà lại có nét thú vị riêng, có thể ví như cái thú vị khi nghe một giọng ca khàn lạ lạ.
Miền Bắc còn một loại quả tròn, to như cà bát nhưng không có múi mà vỏ ruột mịn đều. Đây chính là loại cà tím dành cho bát canh cà bung nổi tiếng xứ Bắc. Và tuy loại cà phía Bắc có trội hơn phía Nam vì có thêm cà tím loại tròn đặc biệt ấy, thì cà pháo ngoài Bắc lại công nhận không có được giống như cà pháo xuất xứ thuộc tỉnh Kiên Giang.
Cà miền Bắc chỉ có một chút vị ngọt ngái khi ăn sống, và chỉ lên được hương vị muối cùng gia vị, củ quả. Còn cà Cái Sắn thì độc đáo hơn, quả to, cùi dày, hạt ít, giòn, ngọt. Cà Cái Sắn mà xóc tỏi, ớt, chanh theo kiểu muối xổi miền Nam, ăn vào cứ gọi là ngọt lừ, chấm thêm mắm tôm nữa thì nghe nói chưa có cô gái nào chỉ thẹn thùng ăn một bát.