Non nước Việt Nam

Bình yên những ngôi làng cổ ở Huế

Cập nhật: 22/07/2010 10:49:55
Số lần đọc: 2699
Trên dòng chảy sông Hương, trong hình sông thế núi, trong tiến trình lịch sử, cả trong đời sống văn học và tâm linh, xã Thủy Biều, thành phố Huế, có một vị trí đặc biệt ít được nhận biết để tìm hiểu, nhận thức và có chiến lược khai thác một cách hiệu quả trong đời sống đương đại.

Là một trong năm xã ngoại thành, nằm ở rìa Tây - Nam thành phố, ba bề bao bọc bởi sông Hương, phía Đông giới hạn bởi đường Huyền Trân Công Chúa, tiếp giáp xã Thủy Xuân, không một địa chỉ nào của thành phố Huế có được ưu thế tiếp cận dòng sông này từ nhiều góc độ khác nhau, từ chiều rộng đến chiều cao - xét về góc nhìn thị giác - phong phú đến như vậy.

“Belvédère”, một lầu canh được xây dựng từ thời Pháp thuộc nằm trên đồi Vọng Cảnh, một địa điểm chiêm ngưỡng sông Hương cuốn hút du khách khi đến Huế, và cũng từng gây sóng gió trong dư luận cả nước về một ý tưởng có phần vội vã trong chủ trương đầu tư.

Xung quanh Thủy Biều là một vành đai danh lam thắng cảnh và các công trình nổi tiếng cố đô.

Ngoài sông Hương huyền hoặc chảy vòng quanh xã - và lại chính là khúc quanh đẹp nhất - trong địa bàn xã đã có đồi Vọng Cảnh, gần đấy là lăng Tự Đức. Bên kia sông, từ đồi Vọng Cảnh nhìn sang là điện Hòn Chén nổi tiếng.

Cũng bên kia sông, Văn Miếu, Võ Miếu và danh thắng Thiên Mụ, còn bên này sông là Long Thọ cương, hai địa danh từ lâu đã đi vào ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ cương”. Trên bờ tả ngạn sông Hương kéo dài từ điện Hòn Chén đến Văn, Võ Miếu là địa phận của hai xã Hương Hồ, Ngọc Hồ xanh mướt tre cau soi bóng xuống lòng sông.

Làm nền cho cảnh quan thanh bình ấy là chập chùng những rừng thông như sóng nhấp nhô kết thúc tầm nhìn với núi Kim Phụng sừng sững trấn giữ một phương trời.
 
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Nguyệt Biều, Lương Quán (hai trong số bảy thôn của Thủy Biều) đã hiện hữu trong một câu ca xưa đầy bí ẩn: “Bất thực Lương Quán kê/ Bất giao Nguyệt Biều hữu…?” trong “tứ bất…” đang là những ẩn số cần được giải mã.

Trên địa bàn Thủy Biều hiện còn vết tích của một dòng sông cổ: “ông Lý Nhân”, nay đã bị bồi lấp thành một dãy ao chuôm liên hoàn với những cụm cổ thụ lâu đời có giá trị cảnh quan và khoa học.

Nguyệt Biều - Lương Quán không xa/Cách một con hói hóa ra hai làng. Thảm thực vật, những cụm cổ thụ và dòng sông này nếu được tôn tạo, chỉnh trang, sẽ mang lại nhiều giá trị cảnh quan trong khai thác du lịch với đầu tư thấp.

Một trong những giá trị nổi bật của Nguyệt Biều, Lương Quán chính là đặc sản thanh trà.

Không biết từ bao giờ, trái “thanh trà Nguyệt Biều” đã trở thành một đặc sản “không nơi nào có được”. Phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương mà thời vàng son của nó đã từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng.

Trải bao biến động, thăng trầm của thế cuộc, kể cả hai cuộc chiến tranh lâu dài và thảm khốc, Nguyệt Biều, Lương Quán dường như rất ít bị tác động. Diện mạo gần như nguyên vẹn bộ mặt một làng quê trù phú ven đô như thời các chúa Nguyễn vào Nam mở đất, hay khi kinh đô Phú Xuân còn ở giai đoạn vàng son.

Những khu vườn xinh xắn, ngăn nắp liên tiếp kề nhau, những nếp nhà nông thôn yên bình cư ngụ trong một thiên nhiên xanh rờn hoa trái. Vườn gần như không rào. Những hàng cây xén thấp, phân định vườn nọ với vườn kia, chỉ có giá trị tượng trưng. Đường làng lát bê tông phẳng lỳ, sạch bóng. Không một chiếc lá rụng.

Mùa xuân, cảnh quan hai làng Nguyệt Biều, Lương Quán trắng xóa màu hoa bưởi ngát thơm. Một hương thơm tinh khiết của đất trời trong tiếng ong bay từ bốn phương về hút mật. Mùa Thu, tháng Bảy, tháng Tám, những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ rợp đường làng, lủng lẳng, đong đưa trên đầu du khách. Cảnh thanh bình cứ như đời Nghiêu - Thuấn vậy. Có một cái gì đó trong kho tàng văn hóa làng quê còn được bảo lưu, vẫn hiện hữu trong nếp sống ngàn xưa của Nguyệt Biều, Lương Quán?

Một giá trị hiếm hoi khác của Thủy Biều đang bị lãng phí một cách oan uổng, đấy chính là một khu đồi đất ở cuối làng: “Động Bàu Hồ”.

Động Bàu Hồ là một dãy đồi núi đất ven sông Hương, chiều dài dọc sông khoảng gần 1.000m (960), rộng 520m, cao gần 60m (57,1).

Khác với đồi Vọng Cảnh - trong tương quan với sông Hương - từ lâu đã là một trong những danh thắng của Huế, khu động Bàu Hồ nay là một khu nghĩa địa dày đặc mồ mả! Xét về phương diện cảnh quan, khu động Bàu Hồ có tầm nhìn còn đẹp hơn khu Vọng Cảnh nhiều lần. Do độ cao vượt trội, một phía là sông Hương, phía còn lại là một thung lũng ngăn cách với dãy đồi Long Thọ. Vì vậy, đứng trên động Bàu Hồ, người ta có thể nhìn ra bốn phía, tầm mắt hoàn toàn được giải phóng, không có bất kỳ một vật cản nào làm khuất lấp.

Từ đây, tầm nhìn phóng đến Thuận An, đến phá Tam Giang, ra đến biển. Bên kia sông là Long Hồ, Ngọc Hồ, những bờ bãi, làng mạc xanh mướt ven sông Hương. Thấp thoáng điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và cả thành nội, cầu Tràng Tiền. Núi Kim Phụng gần như hiện hữu trong mọi hướng, còn xa hơn, ở cuối tầm nhìn là trùng điệp Trường Sơn. Đứng ở đây thấy Huế gần như nằm trong vòng tay ôm ấp của xanh biếc núi non. Về phía Bắc, bằng mắt thường có thể nhìn thấy khu công nghiệp Văn Xá, và xa hơn nữa.

Không một địa điểm nào ngắm sông Hương, ngắm Huế đẹp bằng Bàu Hồ. Nếu biết đầu tư, Bàu Hồ sẽ là một trong những danh thắng nổi bật của Huế thu hút khách du lịch, tham quan, không có nơi nào sánh kịp.

Nguồn: website 2hue.net

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT