Non nước Việt Nam

Bánh phồng mè ba miền

Cập nhật: 30/07/2010 10:07:52
Số lần đọc: 2210
Ở Hội An, giáp tết, ngoài các loại bánh truyền thống khác, người ta thường làm một loại đặc biệt: bánh phồng mè, còn được gọi là bánh bảy lửa. Ít người biết làm vì các khâu chế biến đòi hỏi thời gian và công phu tỉ mỉ, khéo léo. Những gia đình biết làm lại cố tình giấu giếm phương pháp chế biến để giữ độc quyền và tiếng tăm. Bánh hình chữ nhật, hình vuông hay hình bầu dục hẹp, hơi phồng ở giữa.

Khi bánh đã đợi thành phẩm, cầm lên, cắn một miếng, bắt đầu nhai. Bánh xốp, giòn mà dẻo, không dính răng như các loại bánh có trộn mạch nha. Bánh thau (tan) ngay trong miệng, nghe thơm và có chất béo. Ngày Tết, ăn nhiều thịt, mỡ, béo bổ quá, đâm ra ngấy. Ăn bánh phồng mè sau bữa cơm nghe đậm đà, ngon ngọt. Ban đêm, có bạn đến chơi, pha một bình trà nóng, nhai chầm chậm bánh, cũng là một thú của ngày Tết.

Cách chế biến cũng lắm công phu. Lựa kỹ nếp, vút sạch để ráo, đỗ vào chõ hong chín cũng như ta đồ xôi. Trút ra để nguội, bóp nhỏ cho những hột xôi rời ra. Xong trải ra nong, đem phơi thiệt khô. Sau đó cho vào trách rang thiệt giòn. Nước đường sên kỹ, đã vớt hết tạp chất và đã được phơi sương. Trộn nếp rang vào đường và rây thiệt kỹ, thiệt đều. Còn phải đổ vào xửng hấp độ năm phút. Bấy giờ, lấy ra cắt từng miếng theo cỡ mình muốn. Rồi lại đem đặt các miếng bánh lên miếng sắt tây nướng vàng.

 

Sau cùng, bỏ một ít đường và nước lạnh vào một cái xoong nầu cho nước sền sệt. Nhúng mỗi cái bánh vào nước đường rồi lấy ra liền, lăn đều trên mè. Mè đã cà sạch vỏ và rang chín. Bánh đem gói giấy từng năm hay mười cái, hoặc bỏ vào keo để dàng ăn.

 

Nói chung, từ gạo nếp đến thành phẩm bánh, chỉ trải qua thử thách của năm lần lửa nóng mà sao lại được gọi là bánh bảy lửa? Có lẽ phải kể luôn mấy lần phơi nắng, phơi sương?

 

Hiện giờ, loại bánh này đã được công nghiệp hoá, chế biến hàng loạt để bán rộng rãi khắp nơi, mọi lúc. Gần đây ở Đà Nẵng, có thấy bán ở lò bánh đầu cầu Cẩm Lệ, Hoà Vang, loại bánh khô mè, ăn cũng thấy ngon. Bánh được gói 50 cái trong một túi nylông, mỗi bánh được bao ra ngoài một lớp giấy kiếng trắng sạch sẽ.

 

Trên đất Ba mươi sáu phố phường, trước kia có bán một loại bánh phồng, đặt trong một cái quả, bưng đi bán các phố. Loại bánh này tròn vo, to bằng trái banh bóng bàn. Nhưng đó là đặc sản của làng Vẽ (Đông Ngạc), ngoại vi thành phố, mang vào Hà Nội. Nghe nói các khâu chế biến cũng lắm công phu, tỉ mỉ, còn hơn cách thức làm bánh bảy lửa tỉnh Quảng. Nhất là cái khâu ủ men trong nếp trước khi đi đồ xôi…, và cách thức chế biến ra loại men cũng là một loại bí quyết gia truyền, được giữ gìn cẩn mật.

Ở trong Nam, cũng có một loại bánh tương tự nhưng trước kia chỉ thấy chế biến và bán ở vùng Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu), nổi tiếng nhất là miệt Vũng Thơm, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Bánh tên “mè láo”, thay vì có hình vuông như bánh bảy lửa Quảng Nam, hình tròn như bánh phồng làng Vẽ, lại trông như một trứng hột vịt, bên trong rỗng. Ăn vào cũng xốp, giòn, dẻo, thơm và béo. Phồng to thế, nhưng cầm lên tay thì nghe nhẹ tênh.

 

Mãi gần đây mới thấy đem bán ở Sài Gòn trong dịp gần Tết, như bánh bía Vũng Thơm. Có thể bánh phồng làng Vẽ, bánh bảy lửa ở Quảng và bánh mè láo trong Nam, có cùng chung một gốc chăng?

Nguồn: SGTT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT