Hoạt động của ngành

Du lịch làng nghề Bến Tre: Một tiềm năng chờ đánh thức

Cập nhật: 30/07/2010 16:25:22
Số lần đọc: 2866
Không gian văn hóa ĐBSCL là một tiểu vùng văn hóa quan trọng của Việt Nam với đầy đủ bản sắc thiên nhiên, đa dạng các sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống. Những làng nghề ấy đã đang nóng lòng muốn bước ra khỏi... cổng làng, hội nhập và phát triển vào dòng chảy của ngành công nghiệp không khói.

Theo dòng lịch sử trên 300 năm, ĐBSCL là vùng giao thoa văn hóa của 4 dân tộc Việt – Chăm – Hoa – Khơme. Đặc thù trên đã tạo nên bức chân dung sống động, bình dị nhưng vô cùng đặc sắc qua phong tục, đời sống văn hóa, kiến trúc nhà ở, nghệ thuật (cải lương, tài tử, thơ, ca, hò vè, hát ru), tế lễ, thờ cúng, ẩm thực, sản xuất, trong đó phải kể đến có hàng trăm làng nghề truyền thống dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn hiện hữu như nghề kim hoàn, chạm khắc, làm trống, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, từ lục bình, làm ghe, lu, gốm sứ, dệt chiếu, đan đát, bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa, bánh pía...


Với xứ dừa Bến Tre, làng nghề hiện hữu ở đây rất đa dạng và phong phú: Sản xuất bánh tráng, bánh phồng, đan đát, dệt chiếu, kết thảm, sản xuất kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, sản xuất chỉ xơ dừa, than thiêu kết, sản xuất rượu nếp đặc sản như rượu Phú Lễ, Bình Phú...kềm kéo Mỹ Thạnh. Hoạt động của làng nghề chủ yếu hướng vào việc sử dụng lao động và phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại. Các làng nghề góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn lao động tại địa phương, là bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

 

Việc khuếch trương thương hiệu cũng đã được các nhà sản xuất tại tỉnh quan tâm, bắt đầu đầu tư lớn cho quảng bá thương hiệu. Những năm gần đây, vừa qua phà Rạch Miễu để vào thị xã Bến Tre, những bản hiệu và sản phẩm kẹo dừa, bánh phồng Thanh Long, Thiên Long, Quế Hương... có mặt san sát hai bên quốc lộ 60 chào mời du khách. Tương tự thế, trên đường tỉnh 885 từ thị xã Bến Tre đến huyện Ba Tri, ngoài kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cũng đã ra sức tiếp thị dòng du khách đến tham quan khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Phan Thanh Giản, mộ nhà giáo Võ Trường Toản....

Năm 2005, chỉ riêng mặt hàng kẹo dừa, Bến Tre sản xuất trên 10.000 tấn, trong đó xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc 6.800 tấn, bánh tráng, bánh phồng trên 2.000 tấn, doanh thu hàng thủ công mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp đạt trên 25 tỷ đồng... Nhìn về tương lai, các sản phẩm trên vẫn còn điều kiện phát triển mạnh. Tuy nhiên, hạn chế của các làng nghề tại Bến Tre là chưa có một hệ thống chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tiếp cận thị trường. Ngoài ngành sản xuất kẹo dừa, chỉ xơ dừa những năm gần đây đã cải tiến thiết bị sản xuất, nhiều ngành nghề khác thiết bị còn thô sơ, chậm được đổi mới. Đa phần các làng nghề trong tỉnh chưa hình thành được một đơn vị đầu mối đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm chung cho làng nghề....

Bánh pía-lạp xưỡng – một đặc sản của Sóc Trăng sau thời gian dài kín kẽ nay đã vươn vai tiếp thị mạnh mẽ. Hình ảnh tiếp thị bánh pía-lạp xưỡng Sóc Trăng bắt mắt ngay với du khách khi họ vừa đến ngã ba Trà Men dẫn vào thị xã Sóc Trăng (dài trên 1 km) hay tại huyện Mỹ Tú, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất bánh pía-lạp xưỡng.

Với không gian sinh thái đa dạng phong phú của vùng sông nước ĐBSCL, ngành du lịch dã ngoại đang hấp dẫn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ lợi thế trên, đưa sản phẩm – đặc sản văn hóa của các làng nghề ĐBSCL vào thị trường du lịch là hướng tiếp thị khả thi, đồng thời sẽ tạo hiệu quả kép vừa phát triển du lịch vừa bán được sản phẩm làng nghề. Để làm được điều trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng trước mắt phải nhanh chóng chấn hưng làng nghề, xây dựng các thiết chế về du lịch làng nghề, mở tour du lịch làng nghề, phát triển các Showroom du lịch làng nghề. Kêu gọi đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các đề án như: Hệ thống quản lý Showroom sản phẩm làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch.

Phát triển các công ty du lịch tư nhân phục vụ du lịch làng nghề (các showroom là điểm dừng du lịch). Thành lập trung tâm du lịch làng nghề Việt Nam có hệ thống điều hành, quảng bá trên cả nước với 3 trung tâm lớn tại Hà Nội, Huế, TPHCM, các chi nhánh quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt và Cần Thơ. Và đặc biệt là cần củng cố, mở rộng tổ chức Hiệp hội Làng nghề Việt Nam từ trung ương đến cơ sở, qua đó xây dựng hệ thống mạng lưới Showroom du lịch làng nghề từ khu vực đến các tỉnh....
 
Trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, các làng nghề không chỉ sản xuất, kinh doanh, mà còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái văn hóa riêng biệt, có đặc trưng của từng làng theo ngành nghề truyền thống lâu đời, là nét độc đáo góp phần mở rộng phát triển các loại hình du lịch ở nước ta. Cho nên, đánh thức và phát triển du lịch làng nghề là hướng đi hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm làng nghề vào thị trường, nâng cao thu nhập đời sống cho các nghệ nhân tâm huyết với nghề. 

Nguồn: website bentregroup

Cùng chuyên mục