Thám hiểm hang động ở Kiên Giang
Hang động ở Kiên Giang chủ yếu tập trung tại huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Đây là địa phương có bề dày văn hóa, lịch sử gắn với hành trình khai phá, mở cõi vùng đất phía Nam. Đến Hà Tiên, Kiên Lương, nhiều du khách thích tự mình vác ba lô, trang bị đèn pin vào khám phá các hang động.
Khu vực Bình An-Kiên Lương còn được gọi chùa Hang-hòn Phụ Tử. Nơi đây khiến du khách ngỡ ngàng trước những hang động do thiên nhiên kiến tạo. Cái tên chùa Hang cũng bắt nguồn từ ngôi chùa ban đầu là gian thờ Phật theo Phật giáo tiểu thừa trong hang. Sau này, chùa được xây dựng lớn bên ngoài hang, vẫn mang tên là chùa Hang, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Ở khu vực này, nhiều hang động quay mặt ra biển nên du khách phải đi tàu mới vào được hang. Do quảng bá chưa rộng rãi nên ít du khách biết đến các hang động này. Đó là hang Kim Cương, hang Tiền... Cửa vào hang khá thấp nên thường bị bít khi nước lớn. Vì vậy, trước khi vào hang, du khách cần tìm hiểu kỹ. Thường các hang này bên trong có chiều cao đến vài chục mét. Sự xâm thực của nước biển trong quá trình tồn tại và kiến tạo của thiên nhiên đã hình thành trong lòng hang những hình thù lạ hấp dẫn. Trong hang Tiền, có một bệ đá cao, bằng phẳng. Tương truyền rằng, ngày xưa trong thời gian chạy loạn, Nguyễn Ánh đã đến đây ẩn náu. Bệ đá kia là ngai ngồi của nhà vua, khối đá hình đùi gà là món ăn của nhà vua đã... hóa đá để giữ lại đời sau. Những câu chuyện như thế là một “sản phẩm” du lịch độc đáo, rất ấn tượng.
Trong số các hang động ở Kiên Giang, phải kể đến hang Cá Sấu và Mo So. Hang Cá Sấu hoàn toàn hoang sơ, nằm trên đường đi từ Ba Hòn vào hòn Phụ Tử. Nhìn từ bên, khối đá khổng lồ này như đầu con cá sấu há miệng. Cách đó không xa là hang Mo So, đã được công nhận là di tích lịch sử. Mo So có nhiều ngách với kích cỡ khác nhau. Có chỗ, du khách phải lách người đi qua nhưng có chỗ lại rộng 20-30m cao đến hàng chục mét. Tốn 50.000 đồng, du khách sẽ được một người dẫn đường và chạy máy phát điện nhỏ với bóng đèn nê-on phục vụ suốt thời gian tham quan. Dưới ánh sáng đèn phong cảnh trong hang thêm sống động và kỳ bí. Càng đi sâu vào hang, không khí càng mát lạnh. Trong hang, nước đọng quanh năm nhưng không bị đóng rong, không có muỗi. Vì vậy, du khách thoải mái khám phá hang động. Hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình dáng. Người hướng dẫn chỉ cho du khách những khối thạch nhũ mang hình dáng bàn tay Phật, nải chuối, tượng Phật, ông địa... Thích thú nhất là bệ đá to có những ánh chớp lấp lánh. Có ánh sáng đèn rọi vào đá càng thêm lấp lánh, du khách đứng nhìn mãi, quên thôi. Trong hang động mỗi ngóc ngách đều tạo mỗi cảm giác khác biệt cho du khách. Hết cung đường này đến cung đường khác, khung cảnh trước mắt luôn mới lạ, thích thú. Có nhiều rễ cây mọc xuyên đá từ đỉnh núi xuống, lôi cuốn trí tưởng tượng phong phú của du khách. Du khách đã từng biết động Phong Nha-Quảng Bình nhưng đến Mo So vẫn trầm trồ nét đẹp của hang động này. Không rộng lớn bằng động Phong Nha nhưng Mo So có nét hấp dẫn riêng.
Cách Mo So khoảng 30km ngược lên biên giới có các hang Thạch Động, Đá Dựng với những hang động lớn mà lịch sử của nó gắn với vùng đất văn vật miền biên viễn Hà Tiên xưa. Hai hang động này được xếp vào 10 cảnh đẹp đất Hà Tiên qua tập “Hà Tiên Thập Cảnh khúc vịnh” của Mạc Thiên Tứ-người sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Thạch Động còn được gọi là “Thạch Động thôn vân”, Đá Dựng được gọi là “Châu Nham lạc lộ”. Thạch Động chỉ có một hang với nhiều ngóc ngách quay các hướng, Đá Dựng có trên mười hang động mà mỗi hang mang một nét riêng. Muốn đi thăm hết các động phải đi vòng quanh núi. Các hang động nằm cách nhau vài trăm mét. Trước mỗi hang có công tắc điện chiếu sáng cho toàn bộ hang. Vì vậy, du khách phải tinh mắt tìm bật các công tắc này để có thể thưởng lãm những góc nhìn đẹp, những thạch nhũ kỳ vĩ trong hang.