Đình Đồng Thạnh: Một di tích kiến trúc của Tiền Giang
Nét đặc sắc nhất của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường, tượng gốm…cả ở bên trong và bên ngoài đình. Đặc biệt, với những hoa văn và họa tiết trang trí ở đình Đồng Thạnh được rút ra từ những hình tượng và triết lý của Nho, Phật, Lão giáo, đã ăn sâu vào trong tâm khảm của dân tộc ta, được hình tượng hóa qua tứ linh, tứ quý, bát bửu v.v... và các biểu tượng hàm ý sự giàu sang phú quí, mong cho hạnh phúc tràn đầy, con đàn cháu đống, mưa thuận gió hòa, mọi vật đều trường tồn với thiên địa.
Với đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã bố cục và thể hiện hài hoà các đề tài truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam với những đường nét tinh tế uyển chuyển rất sinh động, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc, hàm chứa ước mơ thịnh vượng, tốt lành cho muôn đời của con người. Có tận mắt chứng kiến lối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc và đắp nổi tranh của đình ta mới cảm nhận hết cái đẹp, sự tài hoá của các nghệ nhân, khi đã “thổi hồn” vào gỗ, xi măng…tạo thành những mảng trang trí nhẹ nhàng, thanh thoát, giàu tính nhân văn góp phần tăng thêm giá trị của di tích đã tồn tại từ hơn 300 năm qua.
Di tích đình Đồng Thạnh tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, cách trung tâm tỉnh Tiền Giang 25km về hướng Đông Bắc, đi theo tuyến Quốc lộ 50 đến ngã ba Đồng Sơn rẽ trái vào đường tỉnh 782, đi 5km là đến di tích.
Để không ngừng bảo tồn và phát huy tác dụng di sản văn hóa đình Đồng Thạnh, được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào cụm tour du lịch với các di tích văn hóa trong tỉnh.
Hằng năm Chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội kỳ yên vào 16 tháng 3 và 16 tháng 11 âl.
Di tích đình Đồng Thạnh đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận di tích cấp quốc gia vào cuối năm 2008.