Hoạt động của ngành

Sức sống của các tour du lịch cộng đồng ở Huế sau lề hội

Cập nhật: 18/08/2010 13:51:02
Số lần đọc: 2013
Đi chưa hết con đường Trường Chinh đến đoạn không còn nhà phố, rẽ trái, đi theo con đường nhựa hẹp, không bằng phẳng, là đường về xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, nơi có những di tích lịch sử - văn hóa như Cầu Ngói Thanh Toàn, đình làng Vân Thê, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, nhiều nhà thờ họ, phái với lối kiến trúc Việt cổ tuyệt đẹp và hấp dẫn hơn nữa là tour du lịch làng quê.

Từ khi Huế làm Festival định kỳ vào năm chẵn, làng quê này đã gắn một phần đời sống với “Chợ quê ngày hội” và những tour du lịch xanh. Du khách nước ngoài thích về nơi này bởi người ta thực sự thiếu một nơi thôn dã thanh bình và yên ả, thích nhìn ngắm người dân với nếp sinh hoạt bình dị, chân chất. Không chỉ thích mà khách thật sự mê. Bởi theo họ ngưỡng tuyệt vời của âm thanh là sự tĩnh lặng.

Trở thành tour du lịch đồng quê qua các kỳ Festival Huế và ngày càng được du khách tìm về, nhiều gia đình người dân đã khai thác khá tốt các dịch vụ, có thêm thu nhập nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Được biết, huyện Hương Thủy đã đề nghị Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho dự án phát triển du lịch sắp đến theo hướng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch mới...

Để tour du lịch này đi vào hoạt động có hiệu quả và thường xuyên điạ phương cần có qui hoạch xây dựng nhà cửa trong dân bảo đảm hài hòa với cảnh quang, trồng thêm nhiều cây xanh trên bờ kè sông Cầu Ngói, Thủy Thanh cũng cần có một ngôi chợ kiên cố thuận tiện cho việc mua bán, đồng thời cần chuẩn bị sớm và chu đáo một nơi hoạt động đầy đủ ý nghĩa mỗi lần có “Chợ quê ngày hội”, đó không chỉ là chương trình cộng đồng của Festival Huế vào năm chẵn mà còn tổ chức hàng tháng hoặc 2 tháng/lần như kế hoạch đã đề ra.

Cũng là một điểm du lịch cộng đồng trong các dịp lễ hội Festival tuy nhiên tour du lịch đến làng cổ Phước Tích lại chỉ sôi động trong các dịp lễ hội. Phước Tích là ngôi làng cổ với kiến trúc hài hòa. Cả làng hiện vẫn còn hơn 30 ngôi nhà rường tuổi ngoài trăm năm, tập trung nhiều nhất ở xóm Đình với 20 nhà rường. Có nhiều làng ở xứ Huế vốn nổi tiếng với nhà rường như Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế, Bàn Môn, Nam Phổ Cần, Tế Xuân, Mỹ Lợi... nhưng không đâu mật độ nhà rường cổ dày đặc như ở Phước Tích. Nhiều chuyên gia về kiến trúc, nhiều đơn vị lữ hành đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây, tuy nhiên sau các lễ hội, nhịp sống của làng quê này vẫn vậy. Không có mấy dấu ấn của khách du lịch đến nơi này.

Bài toán du lịch cộng đồng mà cụ thể là tour du lịch nhà vườn Phú Mộng - Kim Long được xây dựng từ Festival Huế 2002 đến nay đã xem như không thành công vì không gắn kết được lợi ích của người dân với làm du lịch. Bởi , đã làm du lịch là tính đến lợi nhuận. Đó cũng là điều mà các điểm du lịch cộng đồng khác phải lưu tâm để tránh đi vào lối mòn, để các tour du lịch cộng đồng ở Thủy Thanh và Phước Tích sẽ có sức sống sau các kì lễ hội.

Nguồn: website Huế

Cùng chuyên mục