Non nước Việt Nam

Bánh đa vừng đen: Đặc sản Hà Tĩnh

Cập nhật: 06/09/2010 15:20:49
Số lần đọc: 3225
Đến Hà Tĩnh, du khách khó “cưỡng lại” sự hấp dẫn của bánh đa vừng đen (mè đen). Loại bánh này từng là quà vặt dành cho trẻ con dần dần trở thành đặc sản của vùng quê miền Trung này. Những chiếc bánh tròn, xinh như chiếc lá sen, dày hơn so với các loại bánh tráng ở miền Nam hay miền Bắc.

Bánh đa vừng đen ngon nhất là khi vừa quạt (dùng quạt nan quạt lửa nướng trên than hồng). Quạt bánh tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ chút nào. Cần lượng than vừa phải, quạt đủ gió để than nóng mà không bốc lửa làm cháy sém bánh, nhưng quạt quá nhẹ sẽ khiến bánh bị sượng. Quạt khéo là làm sao để những hạt vừng nhỏ xíu vừa đủ chín, vẫn còn nguyên hạt... Bẻ một miếng nhai giòn rụm, vị béo của vừng đen quyện với vị ngọt của bột gạo, vị cay nồng của tiêu, hương thơm đậm đà của tỏi... Người dân Hà Tĩnh rất thích dùng bánh đa vừng đen kẹp với bánh mướt (bánh ướt) chấm với nước mắm ngon, hoặc ăn kèm gỏi bắp chuối, hến xào... Có người khi ăn phở, cháo cũng ăn cùng với bánh đa vừng đen.

Hầu như du khách nào sau khi thưởng thức bánh đa vừng đen đều mua một ít về làm quà. Chỉ cần giữ khỏi ẩm, bánh đa vừng đen cất được rất lâu. Nếu không có bếp than củi, người ta cũng có thể chiên bằng dầu ăn. Bánh chiên giòn như bánh quạt than, nhưng ngấm dầu ăn nên hơi nhiều vị béo...

Làm bánh đa vừng đen cũng lắm công phu. Người ta dùng gạo mới, ngon để làm bánh, chứ không pha lẫn bột sắn, bột ngô... như một số bánh đa nơi khác. Gạo ngâm một đêm được nghiền nhỏ bằng những chiếc cối đá xay bằng tay. Bột pha nước vừa đủ sền sệt rồi tráng lên chiếc vỉ bằng vải đặt trên nồi nước đun sôi. Vừng đen sau khi rửa thật sạch được rắc đều đặn phủ một lớp màu đen cả hai mặt bánh rất bắt mắt. Việc rắc tỏi thái nhỏ, tiêu, bột ngọt thế nào là bí quyết của từng lò bánh. Sau đó đưa bánh đi phơi khô là xong.

Nhiều du khách nói rằng bánh đa vừng đen dân dã, đậm đà như cuộc sống và tính cách con người Hà Tĩnh. 

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT