Hành trang lữ khách

Về Sa Đéc (Đồng Tháp) ngao du xứ “người tình”

Cập nhật: 07/09/2010 14:21:46
Số lần đọc: 3289
Nói đến Sa Đéc, nhiều người nghĩ ngay đến những làng hoa mà năm nào cũng góp sắc màu cho các chợ hoa tết trên Sài Gòn. Thị xã gần sáu mươi cây số vuông này còn nhiều điều thú vị cho du khách khám phá và là đất để câu chuyện phim Người tình ra đời

Sa Đéc có tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Các nhà nghiên cứu cho rằng Phsar Dek là tên một vị thuỷ thần Khmer.

 

Khoảng cuối thập niên 1750, chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền tây Nam Bộ để bảo vệ dinh Long Hồ, trong đó có thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận. Nếu tính từ năm 1750, Sa Đéc đã 260 tuổi.

 

Di tích xưa còn lưu lại ở Sa Đéc khá nhiều với những đình chùa được xây dựng từ thế kỷ 19. Đình Vĩnh Phước trên đường Trần Hưng Đạo còn gọi là đình Gạo có vào khoảng năm 1852, xây dựng lại năm 1904 theo kiến trúc Nam Bộ thời đó.

 

Cũng trên đường Trần Hưng Đạo, còn có chùa Ông Quách và chùa Bà, hợp với đình Vĩnh Phước thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng Việt Hoa đặc sắc chạy dài từ cầu Cái Sơn 2 đến cầu sắt quay.

 

Còn Phước Hưng tự (đường Hùng Vương) của cộng đồng người Hoa Minh Hương xây dựng năm 1838, chánh điện có pho tượng phật bằng đất sét không nung đã hơn một trăm năm.

 

Sa Đéc từng là vùng sung túc nhất Nam bộ xưa, đến giờ vẫn là trung tâm thương mại của tỉnh Đồng Tháp. Vì thế, ở đây có những gia đình giàu có và dấu ấn để lại của họ là những ngôi nhà xưa, phố cổ được xây cất vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

 

Xưa nhất là nhà ông hương chủ Dược ở làng Tân Phú Đông, xây từ năm 1860, kiểu ba gian hai chái, gần đó là nhà của thương gia Nguyễn Văn Mau xây từ năm 1910. Ở khu phố cổ đường Trần Hưng Đạo có hàng loạt nhà cổ, kiến trúc của Pháp, giờ vẫn tồn tại.

 

Ngôi nhà xưa đã trở thành điểm tham quan khó bỏ qua của du khách, nhất là người Pháp, là nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê – người tình của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.

 

Tiểu thuyết L’amant (Người tình) là cuốn tự truyện của bà Marguerite Duras về mối tình với ông Huỳnh Thuỷ Lê khi gia đình bà sinh sống tại Sa Đéc.

 

L’amant đã đạt giải Goncourt, một giải thưởng văn học lớn của Pháp. Câu chuyện thật đã được dàn dựng thành phim Người tình.

 

Sau khi phim trình chiếu, ngôi nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê được nhiều người đến tham quan. Hướng dẫn viên địa phương hay nói: Sa Đéc là xứ “người tình”.

 

Chợ Sa Đéc cũng là một công trình từ thế kỷ 20 còn tồn tại đến giờ, chỉ đáng tiếc là ngôi chợ kiến trúc đẹp lại làm chợ thực phẩm và bị che khuất bởi một trung tâm thương mại.

 

Chưa đến làng trồng hoa, làng nghề làm bột gạo và đi ăn hủ tíu Sa Đéc là chưa thoả việc thăm thú Sa Đéc. Du khách muốn xem hoa kiểng cứ đến làng hoa Tân Quy Đông và có thể vào bất kỳ một vườn hoa nào, có vườn trồng chuyên một loại hoa, có những vườn thì đủ màu sắc. Khách có thể hỏi han nhà vườn về kỹ thuật trồng và cả mua hoa mang về.

 

Từ chợ Sa Đéc, hỏi đường đến rạch Ngã Cạy và rạch Ngã Bát sẽ đến làng bột gạo. Gắn với làng là những cơ sở làm hủ tíu bột lọc, được tín nhiệm nhất là cơ sở của ông Tư Bình ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông.

 

Hủ tíu tươi được đóng thành từng gói năm ký, đảm bảo cứ để trong tủ lạnh dùng dần trong mười ngày vẫn ngon.

 

Về Sa Đéc ăn hủ tíu, dân thị xã tự hào: chỉ có ba địa phương gắn với hủ tíu được thấy trên bảng hiệu ở Sài Gòn là hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc và hủ tíu Nam Vang.

 

Tuy nhiên, hủ tíu Nam Vang cũng dùng sợi hủ tíu bột lọc của Sa Đéc hoặc hủ tíu bột ngang của Mỹ Tho. Bởi vậy, người địa phương không giới thiệu khách đến những quán hủ tíu Nam Vang của người Hoa, mà khuyên đến những quán hủ tíu nấu theo cách người Sa Đéc.

 

Quán Ngọc Yến trên đường Nguyễn Sinh Sắc, cách chợ Sa Đéc chừng 500 mét, thực khách sẽ có ấn tượng ngay về hương vị món ăn ở đây.

 

Hủ tíu khô đựng trong dĩa, có đủ thịt heo, gan, rau xà lách, giá sống, ngon nhờ nước xốt pha chế theo cách riêng của quán. 

Nguồn: website SGTT

Cùng chuyên mục