Tin tức - Sự kiện

Múa Giảo Long ở làng Lệ Mật, Hà Nội

Cập nhật: 10/09/2010 15:09:57
Số lần đọc: 3795
Trong không khí chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều hoạt động nghệ thuật đã được tổ chức nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo mỗi miền quê, tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam. Làng Lệ Mật cũng góp phần mình vào công trình nghệ thuật ngàn năm tuổi của đất Hà thành.

Múa Giảo Long ở làng Lệ MậtNhắc đến làng Lệ Mật, không ít người biết đến nơi đây nổi tiếng với tên gọi khác là làng “đánh” rắn, hay gọi tắt là làng Rắn. Hiện làng có một đội múa khoảng 40 đến 45 người, phần lớn các thành viên của đội múa là người trung tuổi. Họ tập luyện chủ yếu vào các chiều tối trong ngày, đặc biệt là vào khoảng tháng 2 âm lịch nhằm phục vụ lễ hội làng vào 23/3 âm lịch.

Trong dự án phục hồi và phát huy các điệu múa cổ Thăng Long của Hội nghệ sĩ múa Hà Nội, múa Giảo Long là một trong 10 điệu múa sẽ trình diễn trong dịp diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Để phục vụ cho chương trình nghệ thuật 1000 năm, các thành viên của đội múa Giảo Long đang ra sức tập luyện ngày đêm, sân đình làng Rắn chiều nào cũng rộn lên tiếng nói, cười cùng những điệu múa điêu luyện, uyển chuyển.

Nguyên gốc của điệu múa chính là câu chuyện kể lại sự tích có thật về ông Đức Thánh (Thần hoàng làng), đã có công cứu vớt công chúa nhà Lý trên sông Thiên Đức. Đội múa gồm có tổ múa lụa, tổ chèo đò, múa sinh tiền, tổ nhạc họa và tổ múa hoa – đại diện cho 13 làng chài. Trong đó, có một người đóng vai chàng trai họ Hoàng  (chàng trai Lệ Mật) – Đức Thánh làng, một người là tướng nhà Lý, một công chúa, 4 cô gái là thị nữ - thuộc múa lụa, chèo đò, có 2 chàng trai và 4 cô gái múa sinh tiền. Mở đầu điệu múa là cảnh múa sinh tiền, chèo đò sông nước, cảnh công chúa nhà Lý dạo chơi trên sông, bất ngờ Giảo Long xuất hiện tạo nên sóng gió khiến thuyền công chúa bị đắm. Tướng nhà Lý được cử đi cứu nhưng thất bại. Chàng trai Lệ Mật xuất hiện tình nguyện đi cứu công chúa.

Cảnh Giảo Long và chàng trai giao đấu là phần chính của điệu múa, cũng là phần quan trọng nhất, sau đó là màn khải hoàn ca chiến thắng. Chàng trai chiến thắng không nhận vàng bạc, mà chỉ xin một mảnh đất, rồi đưa dân đến đó khai hoang lập ấp. Cảnh múa hoa của 13 làng chài sẽ kết thúc màn múa. Múa Giảo Long thường kéo dài khoảng 40 phút.

Múa Giảo Long là hình ảnh về một vị anh hùng, về cuộc chiến giữa con người với thế lực xấu xa, giữa cái thiện và cái ác. Giờ đây, trên mảnh đất Lệ Mật ngày ngày đang vang lên tiếng nhạc hòa cùng điệu múa Giảo Long tươi vui, dũng mãnh. Những con người đó ngày đêm luyện tập hăng say, nhằm góp sức mình vào chương trình nghệ thuật kéo dài từ ngày 01 đến 10/10, chào mừng Đại lễ của dân tộc.

Nguồn: Báo QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT