Bánh khảo là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Tày. Bánh khảo đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận nên mọi công việc phải được chuẩn bị từ giữa tháng Chạp. Để có được những phong bánh khảo thơm phức phải trải qua nhiều công đoạn. Nào là chọn gạo nếp, rang gạo, xay nhỏ bằng cối đá, đổ bột vào cái mẹt lót giấy đem hạ thổ...
Nguyên liệu làm bánh khảo chủ yếu là gạo nếp. Đầu tiên phải chọn loại gạo nếp tốt, hạt tròn, mẩy và đãi sạch, đặc biệt thơm và dẻo. Ngâm gạo với nước ấm rồi vớt ra để ráo. Đem gạo vào rang đến khi gạo có màu vàng nhạt, mười hạt như mười, cắn thấy giòn tan là đạt yêu cầu. Sau khi cho gạo rang vào xay trong cối đá thật mịn, là đến bước ủ bột. Có hai cách ủ là hạ thổ hoặc ủ với cây mía đường để bột bánh hút ẩm đều hơn. Ủ trong vài ngày, đến khi bột hút đủ độ ẩm là có thể đem ra làm bánh. Tiếp đến là vò bột với đường để có độ kết dính rất cao, khi vào khuôn, bánh mới thành tấm thành miếng.
Khuôn làm bánh khảo tùy loại, thường là bốn thanh gỗ lắp thành khung hình vuông, cao khoảng 4-5cm. Nhân bánh có 2 loại, nhân vừng đen hay lạc rang giã nhỏ, cũng có loại thêm thịt mỡ thái mỏng.
Nhâm nhi chiếc bánh khảo cùng ly trà nóng vào những ngày đông lạnh giá thật không có gì thú vị bằng. Mùi thơm ngọt ngào của bột nếp gạo rang, vị bùi vừng, lạc, vị ngậy của mỡ lợn, vị thanh của đường,... hòa quyện với nhau khiến ai từng thưởng thức dù chỉ một lần cũng nhớ mãi.
Bánh khảo vừa là món ăn truyền thống của người Tày dùng để thết đãi khách trong những dịp lễ, Tết..., vừa là món quà biếu khi khách đến thăm nhà hay gửi cho những người con xa quên.