Bình Định: Cổ kính tháp Đôi Quy Nhơn
Theo các nhà khảo cổ học, tháp Đôi có tên gọi khác là tháp Hưng Hạnh được xây dựng từ cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV. Thông thường, theo kiến trúc người Chăm Pa, một cụm tháp bao gồm 3 tháp lớn nhỏ. Tuy nhiên riêng với tháp Đôi Quy Nhơn được xây 2 tháp: tháp lớn cao 25 m, tháp nhỏ cao 23 m.
Do chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh trong thời gian dài, cả 2 tháp đều bị hư hại phần đỉnh. Chiều cao hiện tại: tháp lớn cao 20 m, tháp nhỏ cao 18 m. Tháp được tạo thành từ gạch nung xếp khít nhau theo cách xây của người Chăm và cố định lại bằng một chất kết dính siêu bền mà đến nay chúng ta vẫn chưa lý giải được.
Đến năm 1990 - 1991, tháp được trùng tu lại, sau đó được mở cửa rộng rãi cho khách thập phương trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Do xây dựng vào khoảng thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XV nên tháp Đôi bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Angkor Wat. Chính vì vậy, tháp Đôi không có hình dạng tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống người Chăm mà cấu trúc gồm 2 phần chính: phần thân vuông vức và đỉnh tháp chứa mặt cong.
Tháp Đôi trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn, Bình Định
Tại các góc của tháp được trang trí bằng hình tượng chim thần Garuda 2 tay giơ cao – Đây là chi tiết thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Khmer. Còn lại toàn bộ phần thân tháp vẫn giữ nguyên thiết kế và kiểu trang trí đặc trưng của các ngôi tháp Chăm.
Tương tự với ngôi tháp phía Nam, hầu hết các chi tiết đều được làm tương đối giống ngôi tháp phía Bắc. Tuy nhiên, ngôi tháp này bị hư hại nhiều hơn. Bên trong tháp lớn thờ linh vật Linga và Yoni qua biểu tượng cối, chày giã gạo. Hai bên diềm tháp được chạm khắc hoa văn tinh tế, đối xứng với hình tượng 21 vũ nữ nhảy múa quanh diềm mái tạo nên nét nghệ thuật, bí ẩn cho tháp Đôi.
Ngăn cách giữa phần mái cong và phần thân vuông vức, hình ảnh tu sĩ ngồi thiền được chạm khắc điêu luyện kết hợp voi chầu đối xứng 2 bên. Qua những chi tiết chạm khắc kể trên cho ta thấy điểm du lịch tháp Đôi không chỉ hiện thân cho nền văn hóa xưa và còn thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ, hoàn hảo và khả năng vượt bậc của những nghệ nhân thời bấy giờ.
Bên trong tháp lớn thờ linh vật Linga và Yoni qua biểu tượng cối, chày giã gạo
Theo Quách Tấn trong sách “Nước non Bình Định”, người Pháp gọi tháp này là Tour Kh’mer. Vì có hai tháp song song đứng cạnh nhau nên người dân địa phương gọi nôm na là tháp Đôi. Tháp nằm cạnh cầu Đôi (một cầu đường bộ và một cầu đường sắt) như là sự cố tình sắp đặt của lịch sử và bàn tay con người để rồi hình tượng cầu Đôi - tháp Đôi đi vào nhiều bài ca dao trữ tình đặc sắc của người Quy Nhơn, Bình Định:
“Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi
Vật vô tri còn biết đèo bồng đôi lứa, huống chi tôi với nàng”…
Tháp Đôi tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, trên khu đất đẹp, bằng phẳng, rộng hơn 6.000 m2, thấp thoáng trong bóng những cây dừa, cau và hoa đại (những loài cây gắn liền với văn hóa Chăm).
Bảo Ngọc