Tin tức - Sự kiện

Bình Dương: Nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch

Cập nhật: 14/06/2021 16:06:10
Số lần đọc: 2396
Tỉnh Bình Dương được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên tương đối đa dạng bao gồm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống sông nước cùng với vườn trái cây xanh tốt, 2 ngọn núi gồm núi Cậu và núi Châu Thới, các hồ chứa nước như hồ Dầu Tiếng, hồ Than Thở, hồ Đá Bàn, hồ Cần Nôm, hồ Phước Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 62 di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều yếu tố về lịch sử văn hóa, cách mạng, kiến trúc cổ… tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác du lịch; bên cạnh đó tỉnh Bình Dương là một trong các địa phương luôn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn để đầu tư, kinh doanh thời gian qua nhờ vào vị trí thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.  


Hồ Dầu Tiếng (Nguồn: Internet)

Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đã xác định “Phấn đấu đến năm 2025 đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch,… theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đánh giá “nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch”.

Hiện, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành dịch vụ, du lịch và khách sạn là hơn 4 triệu người.Tuy nhiên, toàn ngành phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn nhân lực. Thực trạng cho thấy nguồn nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn du lịch chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của thị trường. Mỗi năm, chúng ta cần thêm khoảng 40.000 lao động, trong khi đó lượng sinh viên ra trường chỉ nằm trong khoảng 15.000 người/năm. Theo Báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ vẫn còn khá thấp so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Dẫn đến nước ta đang gặp những vấn đề về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cần thiết để phát triển ngành công nghiệp “không khói” này. Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 là tạo ra 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm; thu hút ít nhất 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 120 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đối với Bình Dương hiện số lao động phục vụ trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 người gồm: lao động làm việc tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch và các công ty dịch vụ lữ hành. Trong đó có khoảng 2.250 lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chiếm khoảng 45% (có trình độ Đại học, Cao đẳng, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ,...) Trên thực tế, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại Bình Dương còn hạn chế so với các địa phương khác về số lượng cũng như chất lượng. Một phần lao động làm việc tại các khách sạn xếp hạng sao, các khu, điểm du lịch và người điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành đã được đào tạo qua chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận; đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp nhu cầu lao động không cao, trong đó đội ngũ hướng dẫn viên phục vụ các chương trình tour, tuyến du lịch chủ yếu là cộng tác viên hoặc thuê theo từng chương trình tour du lịch để phục vụ du khách. Còn lại đa phần lao động tại các cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ, hộ gia đình kinh doanh là lao động phổ thông, chưa được đào tạo nghiệp vụ, chỉ qua kinh nghiệm thực tế tại cơ sở lưu trú của đơn vị. Mục tiêu của ngành du lịch Bình Dương đến năm 2025 là đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch và các kỹ năng liên quan đến hoạt động du lịch cho khoảng 400-500 lượt người tham gia; thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 5,25 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 320 ngàn lượt); doanh thu từ du lịch khoảng 2.090 tỉ đồng.

Công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực: Nhằm từng bước xây dựng đội ngũ lao động trong ngành lưu trú du lịch theo hướng chuyên nghiệp đồng thời hỗ trợ đơn vị kinh doanh lưu trú trong việc đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú. Trong giai đoạn 2008-2018, Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các trường đào tạo nghề về du lịch tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhà nghỉ. Kết quả đã đào tạo và cấp được khoảng 800 chứng chỉ sơ cấp nghề nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ buồng, lễ tân cho lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Tuy nhiên, các khóa đào tạo này chỉ đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng tại chỗ cho các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Công tác bồi dưỡng của Sở về cơ bản cũng chỉ đáp ứng điều kiện để các cơ sở lưu trú lập hồ sơ đề nghị xếp hạng theo quy định. Sở còn chủ động phối hợp với các trường đào tạo, các Sở quản lý Du lịch các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tổ chức được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho đối tượng là thuyết minh viên, hướng dẫn tại điểm, công chức, viên chức và nhân viên làm việc tại các khu di tích, bảo tàng, phòng truyền thống các huyện, thị xã, thành phố; các lớp tập huấn kỹ năng về phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng cho các nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Riêng nguồn nhân lực phục vụ trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh thì giới thiệu đến các cơ sở đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh.

Các trường đào tạo ngành du lịch: Bình Dương hiện có một số trường, cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch như: Khoa Kinh tế của Trường Đại học Bình Dương có ngành Việt Nam học, đào tạo về Nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và Quản trị nhà hàng khách sạn; khoa Công nghiệp Văn hóa của trường Đại học Thủ Dầu Một có đào tạo ngành du lịch; khoa Du lịch của Trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An đào tạo ngành Quản trị nhà hàng, Quản trị Khách sạn, Quản trị Du lịch và Lữ Hành, Kỹ thuật chế biến món ăn cơ bản. Ngành đào tạo hướng dẫn du lịch của Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông,… với số lượng còn hạn chế các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh và số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp ra trường hàng năm từ 300 - 400 sinh viên. Trong khi nhu cầu về nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch nhất là các khách sạn là khá lớn. Vì vậy cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh là rất nhiều. Theo bà Võ Thị Tuyết Phương - Giám đốc nhân sự Khách sạn Caravelle Saigon phát biểu tại Hội thảo “Mở khóa tương lai - ngành quản trị dịch vụ du lịch và khách sạn” do trường Đại học Quốc tế Miền Đông phối hợp Tập đoàn Khách sạn Becamex Hospitality tổ chức nhận định “các bạn sinh viên học ngành du lịch nói chung và ngành quản trị dịch vụ khách sạn- nhà hàng là chọn đúng ngành nghề, ra trường không bao giờ thất nghiệp… mặc dù, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang đến những tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, trong đó có ngành dịch vụ du lịch, quản trị khách sạn- nhà hàng “Khách sạn 4.0” khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, Robot và Big data vào ngành công nghiệp du lịch và khách sạn… tuy nhiên không thể thay thế cho con người, không tạo cảm xúc như con người…”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 800 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch, với khoảng 4.000 lao động, trong đó, lao động được đào tạo qua chuyên môn, nghiệp vụ chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh, thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, số chuyên gia nước ngoài đến làm việc, công tác tại Bình Dương ngày càng nhiều nên đòi hỏi nhu cầu về chất lượng dịch vụ của các khách sạn ngày càng cao, việc đào tạo đội ngũ nhân viên có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ phục vụ trong các khách sạn trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết với nhu cầu hiện tại. Nguồn nhân lực du lịch càng dồi dào, có trình độ chuyên môn cao sẽ là tiền đề góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành du lịch, quảng bá được hình ảnh con người và bản sắc văn hóa tỉnh Bình Dương đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương

Trong thời gian tới, ngành Du lịch Bình Dương đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như:

Thứ nhất, xây dựng lại chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao thời gian thực hành cho sinh viên; thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh mang tính đồng bộ và hệ thống; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động của các cơ sở đào tạo.

Thứ hai, có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng về trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp sử dụng lao động và giữa các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện, các ban quản lý du lịch và các xã có khu, điểm du lịch.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch./.

Thuỳ Linh (QLDL)

Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT