Non nước Việt Nam

Bình Thuận: Gìn giữ và phát triển nền văn hóa vật thể và phi vật thể

Cập nhật: 02/12/2021 10:18:47
Số lần đọc: 1161
Văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng luôn có vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Văn hóa không chỉ làm lên sự khác biệt, tính đặc thù của mỗi dân tộc mà qua đó làm cho đời sống thêm phong phú, đa dạng, giúp cho con người vun đắp lòng tự hào đối với bản sắc dân tộc của mình. Di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Bình Thuận đã kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ.


Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết. Ảnh tư liệu: N.Lân

Mặc dù phải trải qua bao nhiêu biến cố của lịch sử bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng kho tàng văn hóa của tỉnh Bình Thuận vẫn vô cùng phong phú và đa dạng, đã và sẽ là bệ đỡ tinh thần cho dân tộc vững vàng trong quá trình phát triển và hội nhập toàn diện với cộng đồng. Di sản văn hóa rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay bởi công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng với thế giới đã tác động sâu sắc đến di sản văn hóa dân tộc. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong sự phát triển toàn diện đất nước, làm cho di sản văn hóa tiếp tục tỏa sáng trong giao lưu, hội nhập là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Những thách thức đó đã được Đảng, Nhà nước sớm nhận định, cụ thể nhất là Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đảng ta đã ra một nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đề ra 10 nhiệm vụ thực hiện, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Không nằm ngoài nhiệm vụ đó, tỉnh Bình Thuận là địa phương tự hào đang lưu giữ một kho tàng lớn di sản văn hóa với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. 34 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh hội tụ tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tỉnh Bình Thuận. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được giữ gìn, phát huy.

Tết đầu lúa ở Phan Sơn, Bắc Bình. Ảnh tư liệu: N.Lân

 Phải khẳng định rằng, trong những năm qua công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, theo đó đã tổ chức kiểm kê, khảo sát, nghiên cứu các lễ nghi, lễ hội dân gian như: Katê, Ramưwan, Đầu lúa, Nghinh ông và nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm, K’ho, Raglay, Chơ ro, Hoa. Thành lập các đội văn nghệ dân gian Chăm, câu lạc bộ hát Then của dân tộc Nùng. Tập hợp các thanh thiếu niên tham gia vào nhóm lớp sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đánh trống Ghi năng, trống Paranưng, thổi kèn Saranai, hát dân ca, vũ điệu Chăm. Nghiên cứu luật tục của đồng bào Chăm, Raglai, K’ho và Chơ ro phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phát triển nghệ thuật dân gian như dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian và rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.

 Bên cạnh đó, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều bảo lưu, sử dụng tiếng nói của mình trong sinh hoạt cộng đồng, chương trình dạy và học chữ Chăm vẫn được duy trì ở các trường tiểu học có đồng bào Chăm thuộc của huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Chăm vẫn được phát sóng thường xuyên trên truyền hình BTV. Nhiều lễ hội truyền thống lớn của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự, các lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc được diễn ra theo đúng nghi thức và tập tục truyền thống với mục đích và ý nghĩa của lễ hội.

Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, những mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của thông tin, nhất là Internet, vấn đề lợi dụng dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền văn hóa truyền thống các dân tộc nên đã nảy sinh lối sống thực dụng, hướng ngoại, phủ nhận văn hóa dân tộc trong một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chưa được khắc phục triệt để, nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị mai một, thất truyền hoặc biến dạng. Các nghệ nhân hiểu biết về các loại hình văn hóa ngày càng ít… do đó phải huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế. Gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một…

Thanh Quang

 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT