Non nước Việt Nam

Bình Thuận: Lưu giữ nét văn hóa của đồng bào Raglai

Cập nhật: 02/03/2022 08:58:06
Số lần đọc: 578
Đối với đồng bào K’ho, Raglai ở xã Phan Lâm (Bắc Bình) rượu cần được xem là “linh hồn” trong văn hóa ẩm thực, là thức uống quan trọng, giá trị, đặc biệt là trong nghi lễ mừng lúa mới.


Ông Mang Ngọc Văn còn lưu giữ nét truyền thống nấu rượu cần.

Trước đây, hầu như nhà nào cũng nấu rượu cần để phục vụ trong gia đình, dòng họ sử dụng làm thức uống chính cho những ngày như Tết Đầu lúa, cúng tế thần linh, lễ hội, tiếp khách… Tuy nhiên, qua thời gian, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại rượu, bia sản xuất công nghiệp nên nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thức uống này. Nghề nấu rượu cần truyền thống đồng bào nơi đây theo đó dần bị mai một. Nhiều người lớn tuổi cho biết, từ xa xưa đồng bào K’ho, Raglai đều dùng rượu cần vào các lễ cúng Yàng, thần sông, thần núi hay trong sinh hoạt tinh thần múa ca, hát. Những ché rượu cần bao giờ cũng đi liền với những món ăn truyền thống như thịt rừng nướng, cá nướng chấm muối ớt, bát cơm lúa rẫy (lúa mẹ)… làm cho ngày lễ, bữa tiệc có ý nghĩa. Đặc biệt, trong ngày hội đoàn kết các dân tộc hàng năm, rượu cần ví như sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng các dân tộc anh em, giao kết tình duyên đôi lứa…

Ông Mang Ngọc Văn – người có uy tín ở xã Phan Lâm là hộ gia đình duy nhất còn lưu giữ nét truyền thống làm rượu cần của người Raglai cho hay: “Bây giờ rượu cần không còn nấu thường xuyên nữa, có chăng chỉ vài hộ nấu vào dịp Tết Đầu lúa. Riêng gia đình tôi vẫn giữ nghề phục vụ cho bà con trong làng, số ít bán cho những khách từ Lâm Đồng, Đồng Nai họ thưởng thức rất thích rồi hay ghé lại mua. Rượu cần không chỉ là một thức uống quan trọng trong việc thực hiện các nghi thức lễ của người đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn thể hiện sự thành kính đối với các thần linh (hay gọi là Yàng) và còn là cầu nối liên kết mọi người trong cộng đồng. Nguyên liệu chính để làm nên rượu cần là gạo và men. Cũng theo lời ông Văn cho hay, ngày trước, đồng bào Raglai có thể dùng kê, ngô, khoai sắn trộn với men rừng để từ 1 - 3 tháng là có thể uống được. Bây giờ ngon nhất là dùng gạo nếp, đầu tiên lựa chọn loại gạo nếp loại thơm ngon, nấu chín để nguội, rồi trộn với men. Thông thường men được chiết từ loại cây rừng, rồi giã thành bột trộn chung với cơm đã được nấu chín. Sau đó, cho một nắm trấu đã chuẩn bị sẵn trước đó vào đáy ché, cho hỗn hợp cơm và men đã trộn để nguội rồi ủ vào ché. Trong các bước làm rượu cần, phơi và vệ sinh ché là rất quan trọng. “Trước khi làm rượu cần ché phải rửa thật sạch, khử trùng bằng rượu trắng lau rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Nếu thời gian phơi ché càng lâu thì rượu cần trong thời gian ngâm sẽ không bị chua, thơm hơn, có vị ngọt hơn. Khoảng 15 ngày có thể dùng rượu được rồi, nếu ủ càng lâu thì rượu càng ngon, độ đậm đặc nước cốt tăng lên, thơm mùi của nếp và đắng của men vỏ cây rừng”, ông Văn chia sẻ.

Mỗi năm ông Văn đều làm 300 ché rượu cần phục vụ cho bà con trong làng và khách lẻ. Cao điểm là từ tháng Chạp âm lịch đến hết tháng giêng, tháng 3 âm lịch đồng bào đều sử dụng rượu cần trong các dịp cúng kính đầu năm. Ngoài ra, vào các dịp khác như Tết Nguyên đán, dịp hè nhiều người dân từ nơi khác khi ghé lên vùng cao Phan Lâm đều không quên ghé nhà ông Văn mua ché rượu cần thưởng thức. Bận rộn với những ché rượu cần, ông Văn cho hay đã bán 250 ché rượu cần cho người dân trong làng và khách gần xa. Với giá bán từ 250.000 đồng – 450.000 đồng (bán luôn ché) tùy loại ché 4 lít hay 15 lít vừa giúp gia đình có thêm thu nhập vừa lưu giữ nét ẩm thực truyền thống đồng bào nơi đây.

Cát Tường

 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT