Bình Thuận: Nơi sen hồng nở trên cát trắng
Nơi ấy có nhiều tên gọi khác nhau, như Bàu Trắng, Bàu Sen, Bạch Hồ..., với từ “bàu” nghĩa là “hồ” trong tiếng địa phương. Thắng cảnh Bàu Trắng nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né (được chính thức công nhận vào năm 2020). Có hai cung đường phổ biến từ TP Phan Thiết dẫn đến Bàu Trắng: theo quốc lộ 1A rẽ vào Lương Sơn và xuyên qua vô vàn đụn cát kỳ thú lấp lánh trong nắng, hoặc theo hướng Mũi Né-Hòn Rơm để đi sát cạnh biển xanh bao la thơ mộng.
Theo tài liệu của ngành du lịch địa phương, Bàu Trắng là hồ nước ngọt hình thành tự nhiên qua quá trình vận động phức tạp của tự nhiên. Mặt hồ trải dài 3 km, độ sâu trung bình 5 m, nơi sâu nhất là 19 m vào mùa mưa. Hệ sinh vật ở hồ khá phong phú, từ các loại tảo, rong rêu cho đến nhiều giống cá. Sen trong hồ do người dân trồng để thu hoạch, nhưng nhờ vậy mà càng tô điểm thêm cho phong cảnh hữu tình. Suốt bốn mùa, bên những đồi cát bay bỏng cháy là hoa sen hồng rực, lá sen xanh mướt, tạo nên một “ốc đảo” bình yên và mát lành, xoa dịu sự khô nóng của vùng sa mạc. Nhiều du khách tìm đến đây thích thú với trải nghiệm thuê thuyền chèo trên mặt hồ, hít hà hương hoa thơm ngát hay trổ tài câu cá.
Bao quanh Bàu Trắng là một đồi cát trắng phau, mịn màng, trập trùng với tên gọi mỹ miều: đồi cát Trinh Nữ. Trên đó có dịch vụ mô-tô địa hình vượt cát và trò chơi trượt ván trên cát đem lại cảm giác mạnh với chi phí hợp lý, an toàn. Vào buổi bình minh hay hoàng hôn, giới nhiếp ảnh thường “săn” được những hình ảnh tuyệt đẹp của mặt trời mọc và lặn ở nơi độc đáo này có những tấm ảnh đã đoạt giải thưởng nổi tiếng quốc tế.
Và không chỉ có hòa mình với thiên nhiên Bàu Trắng, gần đó còn có nhiều điểm đến đậm đà văn hóa Chăm dành cho du khách khám phá, tìm hiểu như đền thờ nữ thần Thiên Y A Na, tháp Pô Sah Inư, đền Pô Klong Mơnai, làng thổ cẩm Phan Thanh, làng gốm Gọ Bình Đức…
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh