Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hội đồng Tư vấn du lịch cần “bắt nhịp sớm, tiếp cận nhanh, tham mưu đúng tuyến” cho Bộ VHTTDL các giải pháp phục hồi du lịch

Cập nhật: 23/04/2021 09:58:25
Số lần đọc: 1016
(TITC)-Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp Hội đồng Tư vấn du lịch lần thứ 17 diễn ra vào chiều ngày 22/4/2021 tại Hà Nội. Phiên họp được tổ chức nhằm báo cáo về kết quả hoạt động của Hội đồng Tư vấn du lịch thời gian qua và trao đổi, đề xuất về các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phương án mở cửa du lịch quốc tế.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Cùng dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, cùng các thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch.

Hội đồng Tư vấn du lịch (Tourism Advisory Board - TAB) do Tổng cục Du lịch thành lập vào năm 2012 với sự hỗ trợ của Dự án EU do Liên minh châu Âu tài trợ. TAB có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng cục Du lịch những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy và xúc tiến phát triển thương mại, mậu dịch và đầu tư trong ngành du lịch Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hoan nghênh nỗ lực của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) trong thời gian qua đã tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ ngành du lịch. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội đồng Tư vấn du lịch được thành lập bởi Tổng cục Du lịch, có nhiệm vụ tư vấn về các chính sách phát triển du lịch. Bộ trưởng yêu cầu TAB cần triển khai các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, “bắt nhịp sớm, tiếp cận nhanh và tham mưu đúng tuyến” cho Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, làm đúng quy định không đề xuất vượt cấp, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ ngành du lịch, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19.

Gợi ý về các chủ đề thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về những vấn đề nóng trong ngành du lịch hiện nay như: chuyển dịch lao động du lịch, các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch, hạ tầng du lịch, định hướng phát triển thị trường du lịch nội địa, đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế. Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, về phát triển sản phẩm du lịch mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Toàn cảnh phiên họp

Mở cửa du lịch quốc tế cần thận trọng, thí điểm từng bước, ưu tiên cao nhất cho vấn đề an toàn

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe chuyên gia TAB trình bày về đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế, trong đó cần xem xét kỹ nhiều vấn đề liên quan đến tiêm phòng vắc-xin, xét nghiệm âm tính, lựa chọn địa điểm đón khách, sản phẩm phục vụ khách, xem xét kinh nghiệm các nước khác… Các đại diện doanh nghiệp thành viên TAB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường du lịch quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao, cần nghiên cứu để sớm mở cửa trở lại.

Lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp trong việc đề xuất mở cửa đón khách quốc tế, đồng thời chia sẻ với những trăn trở, mong muốn của các doanh nghiệp, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần hết sức thận trọng, thí điểm từng bước, ưu tiên cao nhất cho vấn đề an toàn, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân lấy lợi ích kinh tế, do vậy việc mở cửa phải được xem xét thận trọng, không mở bằng mọi giá.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin. Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu phương án thí điểm. Ngày 24/3, Tổng cục Du lịch đã họp với các bộ, ngành liên quan như công an, ngoại giao, y tế, giao thông vận tải… để bàn thảo về phương án, cách thức đón khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng dự thảo kế hoạch thí điểm trình Bộ VHTTDL báo cáo Lãnh đạo Chính phủ ngày 7/4.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại phiên họp

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã nhận được văn bản đề xuất của một số địa phương về việc mở đón khách quốc tế. Trên cơ sở xem xét những đề xuất này, Tổng cục Du lịch sẽ hoàn thiện kế hoạch thí điểm để báo cáo Bộ tiếp tục trình Chính phủ trong thời gian tới. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch quốc tế cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc đề xuất đón khách, triển khai các biện pháp chống dịch an toàn, sự phối hợp chặt chẽ của điểm đến, các doanh nghiệp đón khách, cơ sở lưu trú, các đơn vị vận chuyển khách, trong đó cần đảm bảo cao nhất cho sức khỏe, sự an toàn của du khách, cộng đồng dân cư và những người làm du lịch.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp cần bám sát các chỉ đạo của Chính phủ để có đề xuất phù hợp, liên quan đến sân bay, địa phương, điểm đến đón khách, thị trường mục tiêu. Ông cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế cũng như đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cần xem xét rất kỹ càng ở năng lực phục vụ khách, kiểm soát y tế và xử lý các tình huống phát sinh, thỏa thuận với các nước…

Nâng cao vai trò, phát triển bền vững thị trường nội địa

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, ngành du lịch xác định du lịch nội địa là hướng khai thác chủ đạo trong năm 2021. Do vậy, ưu tiên thời gian tới là tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời tăng cường liên kết, tạo động lực, niềm tin cho du khách đi du lịch trong nước. Tổng cục trưởng cho rằng việc chuyển đổi trọng tâm sang thị trường khách nội địa làm thay đổi yếu tố cung cầu, sản phẩm, dịch vụ. Từ đó đòi hỏi có biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong tình hình mới.

Ngành du lịch đang đón tín hiệu vui khi bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch hè, trước mắt là dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 với việc khách du lịch tăng trở lại, tần suất các chuyến bay và tỷ lệ đặt phòng tăng cao. Trong thời gian gần đây, công suất sử dụng buồng phòng trung bình ở nhiều nơi đã tăng lên 50%, dịp cuối tuần có nơi đạt 80%. Đây là những con số tích cực chứng minh ngành du lịch có thể khai thác tốt thị trường nội địa nếu làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 - Tổng cục trưởng cho biết thêm.

Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (Tập đoàn Sun Group) đồng tình với vai trò quan trọng của thị trường du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đồng thời, cho rằng các doanh nghiệp cần phát triển mạnh nhiều sản phẩm du lịch mới có giá trị, chất lượng tốt. Với sản phẩm Cầu Vàng nổi tiếng trên đỉnh Bà Nà Hills, bà Nguyện cho biết, năm 2019 điểm đến này đón hàng triệu lượt khách du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tập đoàn cũng tiếp tục phải nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Cùng ý kiến với các doanh nghiệp khác, bà cũng cho rằng về lâu dài cần kích cầu thông qua nâng cao chất lượng, trải nghiệm cho du khách để giữ được sự bền vững của hoạt động ngành.

Một số ý kiến doanh nghiệp cho rằng thị trường nội địa khó có thể bù đắp sự thiếu hụt của thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp khó chuyển đổi sang hoạt động phục vụ thị trường nội địa. Bên cạnh các cơ sở phục vụ khách đang phục hồi, vẫn có những cơ sở đang phải đóng cửa. Do vậy, mở cửa du lịch quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng, cần sớm được triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự phiên họp

Khẳng định vai trò to lớn của thị trường quốc tế, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở lại thì du lịch nội địa vẫn sẽ là nền tảng, là cứu cánh cho ngành du lịch. Việc phát huy vai trò của thị trường nội địa một cách bền vững sẽ giúp ngành du lịch giảm bớt thiệt hại và chủ động hơn trong những tình huống khủng hoảng tương tự.

Một lần nữa, đối với du lịch quốc tế, Bộ trưởng nhấn mạnh cần thận trọng làm từng bước chắc chắn, không mở cửa bằng mọi giá, bảo đảm an toàn cao nhất cho cộng đồng. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng việc đề xuất, xây dựng chính sách cần dựa trên thực tiễn, bằng chứng khoa học. Việc mở cửa du lịch quốc tế cần dựa trên năng lực, nguồn lực của Việt Nam sẵn sàng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là việc cân nhắc lựa chọn thị trường, điểm đến, sản phẩm, doanh nghiệp phù hợp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe các nhóm công tác của TAB trình bày các báo cáo về kết quả hoạt động thời gian qua, chia sẻ về kết quả khảo sát đặc điểm và nhu cầu khách du lịch, cũng như một số đề xuất về thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, giải pháp mở cửa du lịch quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT