Non nước Việt Nam

Cà Mau: Công bố Di sản cấp Quốc gia "Nghề muối ba khía”

Cập nhật: 24/06/2020 11:00:24
Số lần đọc: 806
Tối 23/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống “Nghề muối ba khía” cho huyện Ngọc Hiển.    
Nghề muối ba khía của người dân huyện Ngọc Hiển được hình thành từ rất lâu, với trữ lượng ba khía dồi dào bởi sự ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho người dân xứ biển, ba khía tươi đều có quanh năm, đặc biệt nhiều nhất vào tháng 10 âm lịch. Chính vì sự sinh sôi, phát triển dồi dào của ba khía tươi, người dân tại huyện Ngọc Hiển đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản được lâu và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nghề muối ba khía được ra đời từ đó…
 
Về kỹ thuật nghề muối ba khía còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Sự tài hoa của các nghệ nhân muối ba khía thể hiện rõ ở kinh nghiệm pha chế độ mặn của nước muối. Với chất lượng ba khía vùng Ngọc Hiển hiện nay không những tiêu thụ thị trường trong tỉnh mà còn xuất khẩu.
 
Trải qua những khó khăn trong cuộc sống và thăng trầm của thời gian, nghề muối ba khía vẫn được người dân gìn giữ qua bao đời nay, trở thành nghề truyền thống của nhiều gia đình. Từ món ăn dân dã, bình dị của bà con lao động xứ biển nay được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Bởi vị đặc trưng của thịt ba khía sinh sống rừng ngập mặn đã tạo nên một món ăn khoái khẩu của mọi người. Cùng với đó là sự khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút của người thợ trong từng công đoạn để làm ra ba khía thịt chắc và thơm ngon.
 
Nhằm ghi nhận sự sáng tạo và mang tính đặc trưng của người dân vùng đất cực Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận Nghề muối ba khía Ngọc Hiển là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là động lực để những người gắn bó với nghề tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề muối ba khía vươn xa ra thị trường và góp phần phát triển kinh tế, hướng đến gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật của rừng đước.
 
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau khẳng định, tỉnh Cà Mau có khoảng 400 hộ làm ba khía, nhưng tập trung nhiều ở huyện Ngọc Hiển, nghề muối ba khía đã giải quyết việc làm trên 1.000 lao động nông thôn có việc làm. Tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau sẽ phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển tiếp tục phát huy nghề này, hình thành làng nghề truyền thống của địa phương, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch.
 
 Đây là một niềm vinh dự lớn lao cho huyện Ngọc Hiển nói chung và những hộ dân làm nghề muối ba khía trên địa bàn huyện Ngọc Hiển nói riêng sẽ quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề này để làm sao xứng đáng với nghề truyền thống là di sản phi vật thể cấp Quốc gia nghề muối ba khía, là chia sẽ của Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Minh Toại.
 
Dịp này, UBND tỉnh Cà Mau trao bằng khen cho 02 cá nhân và 01 tập thể có nhiều đóng góp, trong gìn giữ, phát triển nghề muối ba khía; UBND huyện Ngọc Hiển còn tặng giấy khen cho 08 cá nhân làm nghề muối ba khía. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân dịp này còn trao tặng dàn âm thanh cho huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn trị giá mỗi dàn âm thanh là 250 triệu đồng./.
 
Chí Hiểu
Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT