Non nước Việt Nam

Cà Mau: Sức sống lâu bền của lễ hội dân gian

Cập nhật: 07/07/2023 12:10:06
Số lần đọc: 593
Theo thời gian, đời sống xã hội phát triển, mặc dù bị công nghệ lẫn các hình thức giải trí hiện đại lấn át, nhưng các lễ hội dân gian (LHDG) tại Cà Mau vẫn giữ được chỗ đứng.


Là hoạt động văn hoá không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam nói chung và người Cà Mau nói riêng, LHDG gắn liền với đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng và mang đến giá trị về đời sống tinh thần, hướng về dân tộc, đất nước, xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hoá...

Nghi thức cúng trang nghiêm được lưu truyền bao đời tại các LHDG ở Cà Mau. (Ảnh chụp Lễ hội Kỳ yên ở đình An Trạch, xã Hoà Thành, ngày 7/2/2023) Ảnh: N.Minh

Giá trị chân - thiện - mỹ

Tại Cà Mau, hàng năm có khá nhiều LHDG quy mô lớn được duy trì tổ chức. Các lễ cúng đều có nét đặc trưng, tạo được dấu ấn sâu sắc với khách thập phương. Chẳng hạn, lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc với tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân sinh sống tại vùng ven biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời); lễ hội vía Bà Thiên Hậu do cộng đồng người Hoa duy trì tại TP Cà Mau, với niềm tin sẽ mang phước lành, tài lộc đến cho người kinh doanh. Hay lễ tế Thần Nông tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, nơi gắn liền với nghề trồng lúa nước, mong cầu mưa thuận gió hoà và diệt trừ sâu bệnh, giúp người dân có mùa màng bội thu. Hoặc lễ hội Kỳ Yên tại Ðình thần Tân Hưng (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) với những nghi thức thờ cúng linh thiêng, như: rước Sắc thần cầu bình an và mùa màng bội thu, đọc hương văn, cúng tế... Sau phần lễ là nhiều hoạt động vui chơi, trò dân gian thu hút đông đảo du khách tham gia như: kéo co, múa lân, đấu vật, chơi cờ, đờn ca tài tử...

Nhiều trò chơi dân gian được đưa vào lễ hội, thu hút sự quan tâm tham gia của các bạn trẻ. (Ảnh chụp tại Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Ðốc, ngày 6/3/2023). Ảnh: N.Minh

Xã hội ngày càng hiện đại, sự can thiệp của máy móc ngày càng nhiều, khiến con người căng thẳng, đơn điệu và cô đơn. Ðời sống tuy có đầy đủ hơn về vật chất nhưng vẫn khô cứng về tinh thần và tâm linh. Hơn bao giờ hết, con người càng có nhu cầu hướng về, tìm lại nguồn cội. Nền văn hoá truyền thống, trong đó có LHDG là biểu tượng, có thể đáp ứng nhu cầu bức xúc ấy của con người ở mọi thời đại.

Ông Hồ Thanh Sơn, Chánh bái Ðình Tân Lộc, chia sẻ: “Lễ hội Kỳ Yên hay các lễ hội khác tại Cà Mau dù trải qua bao nhiêu năm vẫn giữ được nét độc đáo. Mỗi lễ hội có cách cúng bái và nghi thức khác nhau, trở thành nét đặc trưng có một không hai, nói lên khát vọng sống, niềm tin vào đời sống tâm linh... của mỗi con người nơi đây. Trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử, với niềm tin son sắt, người dân Tân Lộc đã gìn giữ Sắc thần còn nguyên vẹn đến hôm nay”.

Ông Nguyễn Văn Út, Chánh chủ Lăng Ông Sông Ðốc, cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc là nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển, được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2021. Ðiều này không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn thu hút rất nhiều du khách gần xa đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng nét đặc trưng hiếm có của lễ hội. Ðồng thời, đây cũng là dịp để lớp trẻ ngày nay tìm hiểu nhiều hơn văn hoá tâm linh gắn liền với bản sắc của nơi mình sinh ra”.

Ðông đảo khách du lịch từ phương xa tìm về tham gia các lễ hội tại Cà Mau. (Ảnh chụp tại Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Ðốc, ngày 6/3/2023). Ảnh: Nhật Minh

Hỗ trợ giáo dục và mở rộng du lịch

Trong vài năm qua, các LHDG tại Cà Mau có thêm nhiều phần trò chơi dân gian để thu hút đối tượng học sinh, sinh viên. Các bạn trẻ thích thú khi được học hỏi, mở mang kiến thức về phong tục tập quán của quê hương, được tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm với hình thức trực quan sinh động. Ðây cũng là cách giáo dục hiệu quả với thế hệ sau.

Em Võ Ngọc Như, lớp 5A, Trường Tiểu học 2, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Em thích xem LHDG. Ba mẹ đưa em đi và có giải thích về những lễ cúng, ý nghĩa của các phong tục. Qua đó, em hiểu hơn về cuộc sống ở quê mình. Ngoài ra, lễ hội cũng có nhiều trò chơi dân gian, chúng em được tham gia rất vui, trước giờ em chưa từng biết”.

Em Nguyễn Lê Thảo Phương, sinh viên năm 2, Khoa Luật Kinh tế, Trường Ðại học Bình Dương, cho biết: “Em nghĩ, lễ hội là nơi con người thể hiện niềm tin vào tín ngưỡng. Người Việt mình hay nói: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Khi người ta có chỗ đặt niềm tin thì cuộc sống cũng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, lễ hội cũng phản ánh phần nào đời sống tinh thần của người dân vùng đó. Em và các bạn tham gia nhiều lễ hội dân gian và học được rất nhiều, nhớ lâu hơn, thay vì chỉ học hay đọc trên sách vở”.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: “Bất kỳ LHDG nào cũng bao gồm 2 phần: lễ và hội. Với chiến lược phát triển bền vững LHDG phát triển song hành cùng du lịch, nên cần quản lý chặt chẽ phần lễ, nhằm đảm bảo giá trị truyền thống của lễ hội. Trong phần hội cần kết hợp việc tổ chức trò chơi với nhiều nhu cầu cụ thể để thu hút khách du lịch và người tham quan. Ngoài ra, việc tổ chức LHDG kết hợp các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu về mảnh đất, con người Cà Mau là điều cần thiết”.

LHDG là tài nguyên du lịch nhân văn. Việc tổ chức các LHDG kết hợp với phát triển du lịch là mô hình đang được tỉnh Cà Mau thực hiện rất hiệu quả. Thời gian tới, các lễ hội này sẽ càng phát triển mạnh mẽ và sáng tạo hơn./.

Thanh Lam

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Đăng ngày 07/07/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT