Các chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
(TITC) - “Hiến kế thu hút khách quốc tế” là chủ đề buổi tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 22/3 nhằm đóng góp đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tham dự và phát biểu tại tọa đàm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh TITC)
Tham dự buổi tọa đàm có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cùng đại diện các cơ quan ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch, khách sạn và cơ quan báo chí.
Những giải pháp Việt Nam đang thực hiện thu hút khách quốc tế
Trong thời gian 1 năm chính thức mở cửa hoạt động du lịch, Viêt Nam đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, kích cầu lớn, trong đó có hai chương trình là “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” thúc đẩy du lịch nội địa và “Live Fully in Vietnam” hướng tới thị trường quốc tế. Hàng loạt hoạt động liên kết hợp tác, kích cầu du lịch cũng đã được tổ chức tại các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc. Những chương trình này thực sự góp phần giúp ngành du lịch tại Việt Nam khởi sắc trở lại.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế", sáng 22/3. (Ảnh: TITC)
Trong một thời gian vừa qua, nhiều hoạt động quan trọng đã diễn ra liên quan tới mục tiêu thúc đẩy du lịch, đặc biệt những giải pháp thu hút du khách quốc tế. Điển hình là Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/3/2023 và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 19/3/2023. Đây là những sự kiện quan trọng diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa trở lại đón khách quốc tế trong tình hình mới, tại đó đã chỉ ra rất rõ những hạn chế, điểm nghẽn và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm đưa du lịch phục hồi bền vững và hiệu quả.
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều giải pháp phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam.
Ngoài các giải pháp có tính căn bản, dài hạn thì Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp, mở rộng thị thực điện tử. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách tiềm năng theo nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận nguồn vốn, gói kích cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh TITC)
Gợi mở thêm nhiều ý tưởng, giải pháp thu hút khách quốc tế
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đến từ doanh nghiệp, tổ chức du lịch, đại diện cơ quan lập pháp, các bộ ngành, chuyên gia quốc tế đã chia sẻ nhiều thông tin về cách làm mới trong thu hút khách quốc tế.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, PhD CHE, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường bên cạnh thu hút khách từ những thị trường truyền thống. Tiến sĩ cũng cho rằng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, song song với việc nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam.
Theo ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một trong những khó khăn trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là chính sách thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh còn nhiều hạn chế. Thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này có thể sinh ra sự bất tiện, nhất là với các gia đình có người già, trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc. Do vậy, ông kiến nghị Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, có nhiều di sản, có bãi biển dài. Vấn đề là cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút, cần định vị tốt cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp xu hướng nhu cầu, thị hiếu của khách.
Về xây dựng chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, ngành du lịch cùng với nông nghiệp, được dự báo là những ngành có đóng góp quan trọng trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023. Trong việc xây dựng chính sách cần lồng ghép các giải pháp phát triển du lịch. Ví dụ đối với Luật đất đai, Việt Nam có thể cân nhắc cho phép đất nông nghiệp kết hợp với xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Các diễn giả thảo luận hiến kế thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh TITC)
Một số chuyên gia cũng đề xuất để thu hút khách quốc tế thì cần phải nắm bắt xu hướng du lịch mới, thấu hiểu nhu cầu khách để xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp và có chiến dịch truyền thông hiệu quả. Theo đó xu hướng du lịch hiện nay là du lịch một mình, nhóm nhỏ, theo gia đình, du lịch gắn với văn hóa và thiên nhiên, coi du lịch là liều thuốc hồi phục sức khỏe, tinh thần sau đại dịch.
Theo ông Dương Minh Đức, Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị Saigontourist, để đáp ứng xu hướng du lịch mới, công ty đã xây dựng sản phẩm du lịch gia tăng tính trải nghiệm, thiết kế riêng cho nhóm nhỏ, khách lẻ. Bên cạnh đó là sản phẩm du lịch cho nhóm làm việc từ xa (digital nomad), khách MICE, khách tàu biển.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến đồng nhất về việc cần cải thiện chính sách thị thực, mở rộng diện miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú, số lần xuất nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách thị thực mới vào kỳ họp tới
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó có những đột phá về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử để đáp ứng yêu cầu thực tế của việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Đại tá Đặng Tuấn Việt chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh TITC)
Theo đó Bộ Công an đề xuất tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực, nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử có thể là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch; đảm bảo cho người nước ngoài khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như các tour kết nối. Kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.
“Trong khi chờ Luật được ban hành, để đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Công an đã dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực mới vào một Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”, Đại tá Đặng Tuấn Việt cho hay.
Du lịch không thể làm một mình, rất cần sự vào cuộc của các bên
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao Báo Đầu tư đã có sáng kiến tổ chức tọa đàm về thu hút khách quốc tế và sự tham gia vào cuộc của các cơ quan chức năng ngành Công an, Giao thông, Hàng không, cơ quan lập pháp của Quốc hội và các doanh nghiệp du lịch. Phó Tổng cục trưởng nhận định các ý kiến trao đổi rất trúng và sát với tình hình mà ngành du lịch đang hướng đến. Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh du lịch không thể làm một mình, do vậy sự vào cuộc của các bên trong cuộc tọa đàm hôm nay cho thấy những tín hiệu rất tốt.
Phó Tổng cục trưởng tán đồng ý kiến của các doanh nghiệp là cần có những cuộc đối thoại thường xuyên để tìm ra những nút thắt, từ đó tìm được giải pháp hiệu quả. Chính sách thị thực là điều rất cần thiết, bên cạnh đó ngành du lịch cũng cần cải thiện nhiều mặt hơn nữa. Tới đây sẽ có Nghị quyết của Chính phủ sau Hội nghị toàn quốc về du lịch và Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thị thực, đồng thời, sắp tới cũng sẽ hoàn thiện Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam làm cơ sở để đẩy mạnh sự phát triển của du lịch trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng cho biết ngành du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi, giải pháp đề xuất tại cuộc tọa đàm này và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng Việt Nam thành điểm đến đẳng cấp, chất lượng xứng tầm, thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 24/03/2023