Tin tức - Sự kiện

Cam Ranh (Khánh Hòa): Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch

Cập nhật: 30/10/2020 08:12:18
Số lần đọc: 836
Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đặt mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn gắn với thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm; gắn sản xuất ngành nghề nông thôn với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội.

Còn phân tán, nhỏ lẻ

Theo UBND TP. Cam Ranh, hiện thành phố có 1.140 cơ sở (trong đó có 990 hộ cá thể, 150 doanh nghiệp) hoạt động ngành nghề nông thôn, thu hút 9.323 lao động. Thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn đạt khoảng 50 triệu đồng/năm (năm 2020); trong đó có những nghề cho thu nhập cao như: Mộc mỹ nghệ (71 triệu đồng/năm), mộc dân dụng (55 triệu đồng/năm), xây dựng, vận tải (60 triệu đồng/năm). Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã giải quyết lượng lớn việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố, tạo việc làm cho hơn và hơn 9.000 lao động.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố chủ yếu dưới dạng hộ cá thể (87%); các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (13%), hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Do chưa có hợp tác xã trên lĩnh vực ngành nghề nông thôn, nên khả năng liên doanh liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ cơ sở mỹ nghệ Hương Trầm (phường Cam Lộc) cho biết, cơ sở của ông hoạt động đã được 10 năm, chuyên làm các mặt hàng như bộ thưởng trầm, nhang trầm, trầm hương, trầm cảnh, danh trầm… cung cấp cho các công ty, cửa hàng lớn trên địa bàn tỉnh. “Năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến các cơ sở bị ảnh hưởng, lượng tiêu thụ sản phẩm sụt giảm mạnh. Cơ sở của tôi đang tạo việc làm cho trên 10 lao động thu nhập ổn định, nay giảm xuống chỉ còn 5 lao động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế khiến các cơ sở gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và tái đầu tư sản xuất”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo đánh giá của TP. Cam Ranh, hiện phần lớn cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn hoạt động mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa đổi mới công nghệ, sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao so với các sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Nhiều cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các cơ sở còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn.

Phát triển thương hiệu gắn với du lịch

Ông Lương Đức Hải - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề với quy mô, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến; chú trọng phát triển ngành nghề là thế mạnh gắn với thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm. “Cùng với đó, gắn sản xuất ngành nghề nông thôn với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới”, ông Hải nói.

Theo kế hoạch của TP. Cam Ranh, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố phấn đấu bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 400 lao động, nâng tổng số lao động tham gia lĩnh vực ngành nghề nông thôn từ 9.000 lao động lên khoảng 11.000 lao động vào năm 2025. Lao động nông thôn khi tham gia học nghề ở các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Các lao động ngành nghề nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia học nghề được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề. Thành phố phấn đấu thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn từ 50 triệu đồng/lao động/năm (năm 2020) lên 60 triệu đồng/lao động/năm (năm 2025).

Theo UBND TP. Cam Ranh, tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là 7,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 3,8 tỷ đồng (54%); vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân 3,3 tỷ đồng (46%).

Đối với các nghề định hướng phát triển gắn với du lịch, thành phố đầu tư hỗ trợ phát triển nghề gỗ mỹ nghệ và mây tre đan tại phường Cam Thuận; nghề mỹ nghệ trầm hương tại phường Cam Lộc, trong đó chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ; giới thiệu quảng bá sản phẩm. Di dời các cơ sở mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, cơ sở sản xuất mây tre đan... phân tán trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung được quy hoạch để hạn chế tiếng ồn, mùi sơn. Thành phố đầu tư hỗ trợ phát triển nghề chế biến thủy hải sản (gồm: thủy sản khô, đông lạnh, nước mắm...) phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thay thế cho cách thức chế biến thủ công trước đây gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của thành phố; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và kinh doanh; tham gia các hội chợ triển lãm về ngành nghề nông thôn; tổ chức khảo sát thị trường; đầu tư xây dựng các gian hàng trưng bày, các trạm nghỉ ven quốc lộ hoặc ở các điểm du lịch, sân bay... để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm./.

 

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT