Cần Thơ: Khai thác sản phẩm du lịch từ workshop
Du khách trải nghiệm làm bánh xèo. Ảnh: Kiều Mai
Tại Cần Thơ, các workshop mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng, trong đó nổi bật là gắn với làng nghề, ẩm thực. Tùy theo điều kiện của điểm đến mà các hoạt động này được tổ chức linh hoạt để du khách có chọn lựa phù hợp. Cụ thể, tại Victoria Cần Thơ Resort (quận Ninh Kiều) hiện có chương trình biểu diễn thắt lá dừa, chằm nón lá (cách ngày, hằng tuần) tìm hiểu về làng nghề thủ công, hay chương trình biểu diễn nghệ thuật nấu ăn truyền thống với các món bánh truyền thống, diễn ra từ 17h30-19h30 mỗi ngày. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của du khách, Victoria Cần Thơ Resort còn có các lớp hướng dẫn khách nấu món ăn Việt. Đây là hoạt động được nhiều du khách quốc tế lựa chọn và yêu thích.
Tương tự, tại Mekong Silt Ecolodge và Vàm Xáng Rustic (cùng tọa lạc tại huyện Phong Điền) cũng có những hoạt động workshop đặc trưng. Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge, người phụ trách các hoạt động workshop, cho biết: “Tùy theo yêu cầu và thời gian của du khách, chúng tôi xây dựng những trải nghiệm để khách lựa chọn. Các workshop về làng nghề có đan lục bình, tái chế rác, dệt chiếu; workshop về du lịch bền vững là học làm enzyme, xà bông… Còn các hoạt động dạy nấu ăn sẽ có làm bánh dân gian, hay nấu bữa cơm Việt. Với các sản phẩm làm ra, du khách có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mang về làm quà. Khách rất thích những trải nghiệm như vậy vì họ được trao đổi trực tiếp với người dân địa phương, tự tay làm ra sản phẩm và hiểu hơn về giá trị văn hóa địa phương”. Thậm chí, nhiều du khách quốc tế vì yêu thích các trải nghiệm đa dạng này đã lựa chọn kéo dài thời gian lưu trú tại Mekong Silt Ecolodge.
Thực tế, workshop được yêu thích bởi vì du khách được tiếp cận không gian trình diễn tại chỗ, được người địa phương hướng dẫn trực tiếp cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Hoạt động này thường giúp du khách tiết kiệm thời gian trong quá trình tìm hiểu về văn hóa, con người ở điểm đến, quan trọng là biết thêm các kiến thức, kỹ năng. Những trải nghiệm như thế thường mang nhiều cảm xúc. Chị Trần Thị Mỹ Linh, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Có nhiều nghề ngày nay không còn phổ biến, nhất là các nghề thủ công như đan võng, chằm nón. Đối với tôi, việc có cơ hội được trải nghiệm hoạt động này rất thú vị”. Tương tự, chị Hoàng Thị Bích Ngọc, đến từ Thanh Hóa, nói: “Thấy các cô, các chị làm bánh dễ quá nhưng khi tôi thử làm thì có nhiều cảm xúc lắm. Đổ bánh không nhanh, không khéo thì bánh không được đẹp, nhưng tôi vẫn thích. Tự tay làm bánh rồi thưởng thức rất thích, xem như là vừa đi chơi vừa học được món ăn miền Tây”.
Để khai thác sản phẩm từ workshop không khó, nhưng cũng không dễ tổ chức thực hiện. Quá trình xây dựng sản phẩm workshop không chỉ là dừng lại ở tìm hiểu, học hỏi mà còn phải kết nối được với người giữ nghề. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Để đưa mỗi hoạt động vào workshop, chúng tôi đều phải dành nhiều tháng để học tập, tìm nguồn nguyên vật liệu, quan trọng là nhân lực. Nghề xưa, nghề thủ công thì chỉ có các chú, các dì, các cô ở nông thôn còn làm. Mình phải đi tìm rồi thuyết phục họ, học nghề, rồi phải tìm cách vận dụng vào hoạt động du lịch sao cho hợp lý để khách trải nghiệm”.
Nhìn chung, hoạt động workshop đang được nhiều du khách yêu thích bởi nó không chỉ mang đến những trải nghiệm đa dạng mà còn tạo được cảm tình, ấn tượng khó quên về mỗi điểm đến. Đó là lý do các doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ mạnh dạn triển khai nhiều hoạt động workshop để thu hút khách.
Ái Lam