Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen”
Theo đó, từ quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen” chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen” là một trong những biểu tượng thờ mẫu điển hình ở Nam Bộ. Nghi thức lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức Phật giáo và dân gian với chương trình nghi lễ đặc sắc; được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung.
Như vậy, sau “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”trên địa bàn Tây Ninh, “Lễ kỳ Yên Đình Gia Lộc”, “Múa trống Chhay-dăm”, “Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” thì “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen” là di sản văn hóa tiếp theo của tỉnh Tây Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Dịp này, UBND tỉnh Tây Ninh cũng trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho bảy nghệ nhân dân gian tại địa phương; đồng thời khánh thành công trình mở rộng mặt bằng sân chùa Bà nhằm tạo cảnh quan phục vụ du khách. Công trình do Công ty CP Mặt trời Tây Ninh và Công ty CP Cáp treo Tây Ninh tài trợ.
Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen có diện tích gần 3.000 ha, trong đó có hơn 1.100 ha rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; gắn với các di tích lịch sử và thắng cảnh được bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà. Núi Bà Đen cao 986 m, là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam, được mệnh danh là “Đệ nhất thiên sơn”.