Ðầu tư Du lịch

Công nghệ và tương lai mới của mỹ thuật

Cập nhật: 08/09/2021 06:13:26
Số lần đọc: 876
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các bảo tàng và di tích vẫn phải tạm dừng đón khách tham quan thì công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng có thể tiếp cận với công chúng.  


Cú huých để chuyển mình

Để thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật được công nhận là Bảo vật Quốc gia như “Bình phong” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí hay “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, người xem nếu không trực tiếp đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì chỉ cần nhấp vào ứng dụng app Thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA và thanh toán trực tuyến 50.000 đồng. Một không gian nghệ thuật mở ra, du khách bước vào để thưởng ngoạn với rất nhiều những điều thú vị từ màu sắc, âm thanh, lịch sử ra đời tác phẩm, tiểu sử tác giả... cho tới mức định giá tác phẩm trên sàn đấu giá nghệ thuật thế giới.

App Thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai theo hình thức xã hội hóa, tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon, có thể sử dụng trên điện thoại di động và máy tính bảng. Đây là ứng dụng đa phương tiện gồm âm thanh, văn bản và ảnh chất lượng cao, trợ giúp du khách tham quan trực tuyến và trực tiếp tại bảo tàng. Du khách có thể tự do khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Đặc biệt, thời lượng cho mỗi lần sử dụng lên đến 8 giờ, với 9 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Italy và Đức.

Đại biểu thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật quý qua ứng dụng iMuseum VFA (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ tháng 4/2021 đưa vào ứng dụng tới nay, trung bình mỗi tháng bảo tàng thu phí được khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, bảo tàng đang làm việc với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam để sắp tới đưa vào phần ứng dụng tiếng Nga; trong các năm tiếp theo có thể thêm 3-5 ngôn ngữ khác và giải mã 7 tác phẩm Bảo vật Quốc gia. “Ứng dụng được nghiên cứu, phát triển, xuất phát từ chính nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách. Nhất là từ năm 2020, khi mọi hoạt động đi lại, tham quan bảo tàng bị gián đoạn trên toàn cầu trước dịch Covid-19, e-marketing (tiếp thị trực tuyến) khẳng định vai trò quan trọng. Chúng tôi hy vọng việc triển khai ứng dụng iMuseum VFA tạo nên cú huých để bảo tàng có động lực chuyển mình, biến “nguy” thành “cơ”, bắt kịp với xu hướng trên thế giới, tạo ra những trải nghiệm mới, thú vị và tiện lợi cho khách”, ông Minh cho hay.

Để đi được "đường dài"

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện là một trong những bảo tàng quốc gia có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, là những minh chứng sinh động cho dòng chảy phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền-Sơ sử đến ngày nay, trong đó có 9 Bảo vật Quốc gia.

Trong nhiều năm nay, bảo tàng đã và đang thực hiện nhiều hoạt động đổi mới. Gần đây nhất (ngày 28/8 vừa qua), bảo tàng ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour miễn phí. Với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh, công chúng tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng Thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour.

Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết thêm, toàn bộ các bài thuyết minh về các tác phẩm nghệ thuật quý được lưu giữ từ nhiều thời kỳ của mỹ thuật Việt Nam đã được hội đồng chuyên môn bao gồm các họa sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật tên tuổi đọc duyệt kỹ lưỡng. Chính vì thế, các bài thuyết minh không chỉ là phương tiện giúp khách thưởng thức tác phẩm nghệ thuật được trọn vẹn hơn mà còn có thể trở thành tài liệu khoa học giúp tham khảo về các tác phẩm quý.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao sự nhạy bén của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Bình thường người dân đến bảo tàng không nhiều, trừ khách du lịch. Ứng dụng công nghệ là phương án phù hợp để Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm với các bảo tàng nghệ thuật hiện đại trên thế giới, nối dài sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử mỹ thuật Việt Nam; khắc phục những bất cập, tạo góc nhìn mới mẻ, hấp dẫn trong trưng bày bảo tàng, tôn vinh các tác phẩm đặc sắc, các bảo vật quốc gia tại bảo tàng”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Tuy nhiên, để đi được “đường dài”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng nhận được sự ủng hộ, tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhất là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các thế hệ họa sĩ... Để du khách tin tưởng trả tiền tham quan trực tuyến trên không gian mạng, rồi họ xem và truyền tay nhau là vấn đề không dễ. Bởi không như các hiện vật lịch sử có bối cảnh, dữ liệu chính xác... trước một tác phẩm nghệ thuật, mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Do đó, những ý kiến tham vấn hoạt động chung của bảo tàng lẫn nâng cao chất lượng nội dung thuyết minh, hướng dẫn trên ứng dụng công nghệ số hết sức cần thiết.

Vương Hà

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT