Non nước Việt Nam

Đà Nẵng: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống người dân

Cập nhật: 23/07/2025 15:07:03
Số lần đọc: 34
Vừa qua, cụm Đình và Miếu Bà La Bông (xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng) chính thức được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố, sự kiện không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bà con nhân dân thôn La Bông mà còn thể hiện trách nhiệm lớn lao trong việc giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của địa phương.

Mảnh đất trao truyền văn hóa lâu đời

Hiện nay, di tích đình La Bông là nơi diễn ra các nghi lễ cúng tế truyền thống của dân làng La Bông, như Lễ Cầu An (lễ Thanh Minh) và Lễ tế Thu mang ý nghĩa, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, con cháu bình an, làm ăn phát đạt.

Ngoài các lễ kể trên, trước 1975, tại đình La Bông còn có 3 lễ cúng hằng năm nhưng đến hiện nay chưa được khôi phục, đó là các lễ tế Quan Thánh vào ngày 13.1 âm lịch, Lễ Tế Ngũ Hành vào ngày 4.5 âm lịch, Lễ Tế Thần Nông vào ngày 15.3 âm lịch.

Di tích đình La Bông còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng cư dân La Bông bao đời nay. Thông qua việc thờ phụng Thành Hoàng làng và những sinh hoạt làng xã, nghi lễ, lễ hội tại di tích đã góp phần cố kết, tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng dân cư, đồng thời giáo dục cho con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Cụm Đình và Miếu Bà La Bông (xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng) được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố

 Những tư liệu về Hán Nôm, câu đối, văn tế, nghi thức, nghi lễ cúng tế, lễ hội… tại đình La Bông là nguồn tư liệu về văn hóa phi vật thể phong phú giúp nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng và công cuộc mở cõi xuống phía Nam của các bậc tiền nhân.

Ngôi đình làng, trải qua các đợt di dời, trùng tu, sửa chữa, về mặt kiến trúc tuy không còn giữ được nét nguyên bản so với thời kì đầu và đã ít nhiều tiếp biến, giao thoa với kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, tổng thể ngôi đình vẫn thể hiện được nét truyền thống qua từng đơn nguyên kiến trúc và kiểu thức trang trí.

Tại miếu Bà La Bông, hàng năm dân làng tổ chức Lễ cúng vào ngày vía bà tức ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch). Nghi lễ cúng tế tại miếu Bà giống như nghi lễ cúng tế ở đình làng, có đầy đủ các nghi thức truyền thống như đọc văn tế, dâng hương… Lễ tế cầu cho quốc thái dân an, gia đình êm ấm, dân làng khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ.

Do vốn là quê hương của gánh hát bộ Sông Cầu nổi tiếng nên trước 1975, mỗi khi đến ngày vía Bà, nhân dân La Bông thường tổ chức hát bội 2 đêm liền trong những ngày tổ chức lễ cúng. Ngày nay việc hát bội tại miếu Bà không còn diễn ra thường xuyên như trước nữa và phải mời đoàn hát từ nơi khác về biểu diễn.

Di sản văn hóa phi vật thể như các lễ cúng tế, quan niệm về thần linh, ma quỷ và đặc biệt là “hệ thống” những câu chuyện kể truyền miệng trong dân gian mang đậm yếu tố thần bí và linh thiêng... mà người dân còn lưu giữ đến hôm nay cũng là một tư liệu phong phú của di sản văn hóa giúp hiểu thêm về thế giới quan và đời sống tinh thần của người dân La Bông và rộng hơn là người dân Đà Nẵng. Điều này góp phần giúp các nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu văn hóa có được cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về diện mạo di sản văn hóa phi vật thể hiện nay.

Tạo điều kiện để người dân giữ gìn di sản

Ông Nguyễn Tài - nguyên phó trưởng thôn La Bông cho rằng, tiền hiền làng La Bông tên là Nguyễn Đại Lang, từ Bắc vào Nam theo lớp người cư dân trong thời kỳ nam tiến, tính đến nay trên 450 năm. Ngài đã có công đức lớn là người đầu tiên phát hiện ra vùng đất mới, khai hoang, lập nên làng xã và cùng với các hậu hiền đến sau “quản địa, canh cư” xây dựng quê hương làng xã.

Tuy nhiên, theo cuốn Lịch sử tộc Nguyễn Phước làng La Bông do ông Nguyễn Đình Hùng đang lưu giữ thì tên của vị tiền hiền làng La Bông là Nguyễn Phước Thiệm. Sách này chép : “Ngài Nguyễn Phước Thiệm thủy tổ tộc họ Nguyễn Phước của chúng ta đồng thời là tiền hiền bổn xứ La Bông, Hòa Tiến ngày nay là một trong số bà con anh em con cháu của Ngài Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào Nam trong giai đoạn này”.

Làng La Bông cũng là nơi hình thành một gánh hát bội mang tên “Gánh hát Sông Cầu” - cách gọi vắn tắt của sông Tây Tịnh và cầu Đá. Đây từng là niềm tự hào và gắn liền với tiềm thức của bao thế hệ người dân La Bông. Gánh hát một thời vang tiếng khắp vùng, được mời lưu diễn nhiều nơi. Sau năm 1975, do nhiều lý do khách quan, gánh hát không còn hoạt động nữa. Cũng chính vì lý do này, việc tổ chức hát bội tại các dịp lễ hội tại đình làng và miếu Bà không còn diễn ra thường xuyên như trước nữa.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng có ý kiến: Để bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích, cần khẩn trương thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích, cần có kế hoạch phục hồi và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống liên quan diễn ra tại đình và miếu Bà như lễ cúng bái, sân khấu dân gian (hát Bội), phong tục dân gian.

Bên cạnh đó thiện hệ thống cổng ngõ, công trình phụ, đặc biệt là tại đình làng, phương án xây nhà bia để bảo vệ các bia đá tại miếu Bà tránh xâm hại từ yếu tố môi trường, cải tạo khuôn viên, sân vườn nhằm phát huy tối đa giá trị của di tích và phương án bảo vệ các di vật, cổ vật tại di tích.

Địa phương cũng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về nguồn gốc, lịch sử và giá trị của Đình và miếu bà La Bông thông qua việc đưa vào tài liệu giáo dục địa phương, các giờ học ngoại khóa và tham quan tại di tích góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ di tích.

Ngọc Hà

 

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 23/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT