Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Khai phá tiềm năng phát triển du lịch canh nông

Cập nhật: 16/07/2025 10:04:33
Số lần đọc: 35
Tỉnh Đắk Lắk hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa tỉnh Đắk Lắk (cũ) và tỉnh Phú Yên (cũ) đã trở thành điểm đến độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với sự kết hợp giữa cao nguyên hùng vĩ và vùng duyên hải trù phú, tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch canh nông.


Tiềm năng to lớn, nhiều cơ hội trải nghiệm

Vùng cao nguyên Đắk Lắk nổi tiếng với những vườn cà phê bạt ngàn, hồ tiêu và các trang trại bơ, sầu riêng, mắc ca. Trong khi đó, Phú Yên (cũ) có những cánh đồng lúa xanh mướt, vườn dừa trù phú và các làng nghề truyền thống như trồng hoa, nuôi tôm. Sự kết hợp này tạo nên một bức tranh nông nghiệp đa sắc màu, từ cao nguyên đến đồng bằng ven biển. Bên cạnh đó, tỉnh là nơi sinh sống của 49 dân tộc anh em, với sự phong phú về văn hóa, lễ hội và ẩm thực.

Tại khu vực phía Tây của Đắk Lắk, du lịch canh nông tập trung vào cây cà phê. Mùa thu hoạch cà phê du khách có thể tham gia hái cà phê, tìm hiểu quy trình phơi khô, rang xay và thưởng thức ly cà phê đậm đà ngay tại vườn. Các tour còn kết hợp hoạt động cưỡi ngựa, cắm trại hay tham gia lễ hội cồng chiêng tại các buôn làng như Akô Dhông, Niêng 3. Ngoài cà phê, các trang trại hồ tiêu, mắc ca, các vườn cây ăn trái như bơ, sầu riêng cũng là điểm đến hấp dẫn. Du khách được tự tay thu hoạch nông sản, học cách chế biến, thưởng thức các món ăn như bơ dầm sữa, sầu riêng tươi, hay hạt mắc ca rang muối.

Du khách trải nghiệm thu hoạch cà phê. Ảnh: Hữu Hùng

Còn ở phía Đông của Đắk Lắk, những cánh đồng lúa bát ngát, các làng nghề trồng hoa là điểm nhấn đặc biệt… Du khách có thể tham gia cấy lúa, gặt lúa hoặc học cách làm các sản phẩm từ lúa như bánh chưng, bánh tét. Các vườn dừa ở phường Sông Cầu là nơi lý tưởng để trải nghiệm hái dừa, uống nước dừa tươi và tìm hiểu cách làm dầu dừa thủ công. Một hoạt động độc đáo ở khu vực này là tham gia nuôi tôm hùm tại các làng chài ven biển thuộc vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan. Du khách có thể cùng ngư dân thả tôm giống, chăm sóc tôm và thưởng thức tôm hùm nướng ngay tại chỗ. Những trải nghiệm này mang lại cảm giác mới lạ và giúp du khách hiểu hơn về ngành thủy sản - thế mạnh của vùng đất này.

Du lịch canh nông ở Đắk Lắk là cơ hội để du khách khám phá sự giao thoa văn hóa giữa cao nguyên và duyên hải. Nhiều buôn làng ở phường Buôn Ma Thuột, xã Liên Sơn Lắk, xã Buôn Đôn còn giữ được nét đặc sắc của văn hóa Êđê, M’nông. Du khách có thể tham gia lễ hội cồng chiêng, học dệt thổ cẩm, hoặc trải nghiệm đi bộ cùng voi tại Buôn Đôn. Những ngôi nhà dài truyền thống, các nghi lễ như lễ mừng lúa mới, lễ cúng máng nước mang đến cái nhìn sâu sắc về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Yok Don là khu rừng đặc dụng lớn với hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng. Tại đây, du khách có thể khám phá đa dạng sinh học, chèo thuyền trên sông Sêrêpốk, hoặc tìm hiểu các loại cây nông nghiệp xen canh như cà phê, hồ tiêu. Đây là điểm đến lý tưởng để kết hợp du lịch canh nông và khám phá thiên nhiên.

Ngoài ra, khi đến Đắk Lắk, du khách không thể bỏ qua thác Dray Nur, cách Buôn Ma Thuột khoảng 25 km. Đây là điểm đến lý tưởng để ngắm cảnh và tham quan các vườn cà phê, hồ tiêu lân cận. Làng cà phê Trung Nguyên, với không gian bảo tàng sống động, là nơi du khách tìm hiểu về lịch sử cà phê Việt Nam và thưởng thức các loại cà phê đặc sản.

Ở phía Đông, du khách có thể hòa mình vào văn hóa Chăm qua các lễ hội Rija Nagar, tham quan tháp Nhạn - di tích Champa nổi tiếng. Các làng nghề truyền thống như gốm Quảng Đức, dệt chiếu cói Phú Tân là những điểm đến thú vị. Các món ăn đặc trưng như mắt cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan cũng đem đến những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, tại khu vực Gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô, du khách có thể kết hợp tham quan cảnh quan với trải nghiệm nông nghiệp ven biển, với những làng chài lâu đời dọc biển, sẽ mang đến cơ hội tìm hiểu nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Ở Sông Cầu có bãi san hô vừa được vinh danh tại Giải thưởng sang trọng khu vực Đông Nam Á năm 2025.

Nhận diện thách thức

Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng du lịch canh nông ở Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều thách thức, cần nhận diện để có giải pháp đồng bộ khắc phục trong thời gian tới.

Có thể chỉ ra như: kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là đường giao thông, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch ven biển; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch (đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ du lịch canh nông còn hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn về du lịch canh nông và khả năng tổ chức các trải nghiệm độc đáo). Tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho du lịch canh nông, dẫn đến khó cạnh tranh với các điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Hội An.

Kỳ quan thiên nhiên Gành Đá Đĩa. Ảnh: Lê Thanh

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch canh nông, nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nguồn nước và hệ sinh thái tự nhiên, nhất là tại các vườn quốc gia và các vùng ven biển…

Để đưa du lịch canh nông Đắk Lắk vươn tầm quốc gia và quốc tế, trong thời gian tới tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối vùng. Tỉnh cần nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là các tuyến đường nối từ cao nguyên đến vùng duyên hải. Xây dựng các khu nghỉ dưỡng, homestay và cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường tại các điểm du lịch canh nông.

Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn hiểu rõ bản chất du lịch canh nông, đón tiếp du khách niềm nở, thân thiện. Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng hướng dẫn du lịch, ngoại ngữ và quản lý trải nghiệm cho người dân địa phương.

Khuyến khích sự tham gia người dân các buôn làng và làng chài vào hoạt động du lịch để tạo việc làm và tăng thu nhập. Xây dựng thương hiệu du lịch canh nông, nhấn mạnh sự kết hợp giữa cao nguyên và duyên hải. Quảng bá thông qua các chiến dịch truyền thông, hội chợ du lịch quốc tế và hợp tác với các công ty lữ hành lớn.

Ban hành các tiêu chí phù hợp có tính khả thi công nhận điểm du lịch canh nông nhằm bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch canh nông tổng thể, tận dụng thế mạnh của cả văn hóa và nông sản cao nguyên, văn hóa và thủy sản duyên hải. Sử dụng công nghệ để quảng bá du lịch, cung cấp thông tin về các trang trại, lịch lễ hội, đặt tour trực tuyến. Tận dụng mạng xã hội để thu hút du khách quốc tế.

Tiến sĩ Phạm S

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 16/7/2025

Cùng chuyên mục