Đắk Nông: Phụ nữ xã Ea Pô ''giữ lửa'' văn hóa Thái
Đội văn nghệ thôn Trung Sơn, xã Ea Pô tiền thân là đội văn nghệ của Chi hội Phụ nữ thôn được thành lập từ năm 2010 với gần 30 thành viên, chủ yếu là chị em phụ nữ dân tộc Thái. Thành viên đội văn nghệ đủ mọi lứa tuổi. Dù độ tuổi khác nhau nhưng họ có chung tình yêu, niềm say mê với văn hóa dân tộc.
Những lời ca, tiếng hát, điệu múa của đội văn nghệ thôn Trung Sơn đã góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút
Bà Hà Thị Mai, Trưởng thôn Phú Sơn, xã Ea Pô thông tin: “Những người biết múa, hát thì chỉ dạy cho những người chưa biết, cứ như vậy, chị em tập hợp nhau lại để cùng luyện tập. Hòa mình vào điệu múa, tiếng hát, các chị như tạm quên đi những âu lo thường ngày, động viên nhau cùng cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
Còn bà Lương Thị Bình, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Trung Sơn cho biết, dù bận rộn đến đâu nhưng đến lịch tập múa, hát, chị em đều có mặt đông đủ để tập luyện. Mỗi chị em đều mong muốn lưu giữ, phát huy để những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái không bị mai một.
Để kế thừa và duy trì phong trào văn nghệ của thôn, các thành viên trong đội văn nghệ thôn Trung Sơn còn tuyên truyền vận động, chú trọng bồi dưỡng nhân tố kế cận tham gia
Tiếng lành đồn xa, đến nay, các thôn khác như Đắk Thanh, Phú Sơn... nơi có đông người dân tộc Thái sinh sống đã thành lập đội văn nghệ. Các đội văn nghệ hiện lưu giữ và phát triển nhiều điệu múa của dân tộc Thái như múa khăn piêu, múa chén, múa quạt, nhảy sạp, khua luống, múa xòe... Các đội không chỉ thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện của địa phương, huyện, tỉnh mà còn phục vụ các đoàn khách trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù phương tiện, trang phục, đạo cụ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng các thành viên luôn nhiệt tình, tích cực hoạt động
Các tiết mục luyện tập, giao lưu của các đội văn nghệ đa dạng, phong phú. Bên cạnh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, các tiết mục múa, hát còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với đời sống thường ngày... Đồng thời, chú trọng việc truyền dạy về các điệu xòe, nhạc cụ truyền thống và các làn điệu dân ca dân tộc Thái.
“Khi thôn thành lập đội văn nghệ này, chúng tôi ai cũng háo hức. Dù không có loa đài, sân khấu nhưng mỗi khi luyện tập, chúng tôi đều mặc trang phục của dân tộc mình. Đó là cách để chúng tôi thể hiện sự trân trọng, tình yêu với văn hóa dân tộc”, bà Lò Thị Hoa, thành viên đội văn nghệ thôn Trung Sơn cho hay.
Khi sinh hoạt, ngoài truyền dạy các văn hóa của dân tộc, các thành viên đội văn nghệ còn duy trì luyện tập các điệu xòe, như: Xòe nâng khăn mời rượu, xòe múa bát, xòe tung khăn xòe vỗ tay múa vòng tròn...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Pô cho biết, toàn xã có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao. Qua thực tế nghiên cứu và tư vấn của các chuyên gia, Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã chọn xã Ea Pô làm thí điểm xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Hội mong muốn, việc chị em, phụ nữ các thôn duy trì, phát triển các đội văn nghệ của người Thái sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
N.N