Đăk Nông, Việt Nam là 1 trong số các vườn địa chất toàn cầu mới nhất của UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) mới đây đã kết nạp thêm 15 địa điểm mới vào Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (UNESCO Global Geoparks). Vườn địa chất Đắk Nông của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua rất nhiều ứng cử viên sáng giá khác trong danh sách bao gồm 160 đề cử khác, để được công nhận là một trong số những vườn địa chất tầm cỡ thế giới.
Để được xác nhận là một trong số các Global Geopark của UNESCO, địa danh cần phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe như là một khu vực địa lý thống nhất, có địa điểm và cảnh quan mang ý nghĩa, tầm quan trọng địa chất quốc tế, đồng thời được quản lý với tầm nhìn bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững một cách toàn diện.
Dưới đây là các vườn địa chất toàn cầu mới tiêu biểu khác bên cạnh Đắk Nông của Việt Nam.
1. Vườn địa chất toàn cầu UNESCO Rio Coco, Nicaragua
Ảnh: Wanderlust
Rio Coco nằm ở phía Bắc của Nicaragua, là một phần trong Dãy núi Trung tâm của nước này. Phong cảnh Rio Coco là sự pha trộn đa dạng các ngọn đồi, thung lũng, đất ngập nước và rừng sương mù. 3 cây cổ thụ lâu đời nhất tại khu vực này trước kia được tộc người Maya xem như các sinh thể thiêng liêng, bao gồm cây hạnh nhân Tere Armijo và Ceiba Vàng 500 tuổi.
Ngoài ra, Rio Coco còn có những tác phẩm hội họa hang động cổ đại, vùng đất Taguzgalpa lịch sử và các công trình thuộc địa trong thời kỳ thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng. Rio Coco cũng tạo dấu ấn khi trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu đầu tiên trên toàn khu vực Trung Mỹ.
2. Vườn địa chất toàn cầu UNESCO Trương Tây, Trung Quốc
Ảnh: Wanderlust
Vườn địa chất này nằm ở châu tự trị dân tộc Thổ Gia, dân tộc Miêu Tương Tây, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Không chỉ sở hữu rất nhiều các thác nước to lớn và Khu rừng Đá Đỏ, Trương Tây còn bao trọn nhiều địa điểm đi kèm với các phong tục có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và địa chất, với giá trị từ thời đại Cổ sinh cho đến tận ngày nay.
Ở Trương Tây, du khách có thể tiếp cận hơn 160 địa điểm văn hóa có niên đại từ thời Đồ đá cũ đến Đồ đá mới, cũng như các dân tộc thiểu số vùng Thổ Gia và Miêu. Xét về mặt địa lý, nhiều bằng chứng phát triển và biến hóa qua hàng ngàn năm của mảng địa chất Dương Tử tiêu biểu của lục địa Trung Quốc cũng được tìm thấy ở khu vực này.
3. Vườn địa chất toàn cầu UNESCO Lauhanvuori-Hämeenkangas, Phần Lan
Ảnh: Wanderlust
Công viên này nằm ở phía Tây của Phần Lan, bao gồm một số khu vực của vùng Nam Ostrobothnia, Satakunta và Pirkanmaa. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ hai của đất nước Bắc Âu, đã trải qua một hành trình chuyển mình lâu dài từ một vùng núi non hiểm trở cho đến hình dạng vùng đất thấp ngập nước nguyên sơ. Lauhanvuori - Hämeenkangas có quang cảnh phong phú từ rừng rậm, địa hình đá và sông băng, cho đến những con suối địa nhiệt.
Một điều thú vị là, Lauhanvuori - Hämeenkangas là một trong số những nơi xa nhất về cực Bắc lưu lại dấu tích đã khai quật được về người Neanderthal. Đồng thời, khuôn khổ công viên còn lưu giữ văn hóa của bộ tộc địa phương vùng Vịnh Bothnia có tuổi đời đến 5 thế kỷ.
4. Vườn địa chất toàn cầu UNESCO Granada, Tây Ban Nha
Ảnh: Wanderlust
Granada nằm ở phía Tây Nam, trên bán đảo Iberia của Tây Ban Nha. Công viên địa chất này được bao bọc bởi những đỉnh núi cao chót vót thuộc dãy núi Sierra Nevada, mang đến sắc cam đỏ đồi núi đặc trưng, đồng thời là nơi bảo tồn cho nhiều giá trị văn hóa và truyền thống của khu vực.
Ở Granada, các trầm tích lục địa từ Kỷ Đệ Tứ đã trải qua thời gian dài xói mòn, tạo nên hàng chục km trải dài dưới hình dáng các thung lũng tuyệt cảnh. Du khách có thể ghé qua khu vực bảo tàng La Estación Paleontológica Valle del Río Fardes để tìm hiểu kỹ hơn lịch sử vùng 2 triệu năm trước, cũng như học hỏi về các cuộc định cư trong Thời đại Đồ Đồng tại công viên Granada.
5. Vườn địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông, Vietnam
Ảnh: Wanderlust
Công viên địa chất Đăk Nông thuộc Tây Nguyên là nơi thứ 3 ở Việt Nam được nhận danh hiệu này từ UNESCO. Đăk Nông là vùng đất sở hữu các đặc điểm địa chất hấp dẫn, có niên đại khoảng 200 triệu năm. Một điểm đáng chú ý, đây là nơi có hệ thống hang động núi lửa rộng lớn nhất ở Đông Nam Á, Krông Nô. Hoạt động núi lửa cuối cùng trong vùng được xác định là khoảng vài chục ngàn năm trước.
Ngày nay, thiên nhiên Đăk Nông được tô điểm bởi những thác nước hùng vĩ và những miệng hố phủ đầy cây cỏ. Công viên địa chất Đăk Nông rất giàu có về đa dạng sinh học, là nhà của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Chỉ riêng trong phạm vi của công viên này có đến hơn 40 dân tộc thiểu số của Việt Nam như người M’Nông, người Mạ và người Êđê. Tất cả các dân tộc ở đây đều gìn giữ các truyền thống và nét đẹp văn hóa thú vị đáng để khám phá.
Nguồn: VTV