“Đánh thức” thị trường sản phẩm lưu niệm
Cán bộ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu tới du khách những sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo.
“Sứ giả” giới thiệu văn hóa, lịch sử
Ngay trong ngày đầu ra mắt gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch (cuối tháng 11/2019), Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã gây ấn tượng mạnh với công chúng và du khách nhờ các sản phẩm thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường, thể hiện rõ nét, tinh tế dấu ấn di sản. Theo ông Nguyễn Quyền Lâm (phường Kim Mã, quận Ba Đình), từ chiếc bình đựng nước mô phỏng hình dáng ống quyển thời xưa; giá kê điện thoại bằng tre ghép, khắc hình sĩ tử… đến mô hình đèn sách với tính năng dẫn sáng từ việc gấp, mở linh hoạt, đều được thực hiện một cách sáng tạo. “Những sản phẩm này nhìn rất hấp dẫn, tôi sẽ mua một vài sản phẩm để trưng bày và tặng bạn bè”, ông Nguyễn Quyền Lâm cho biết.
Cũng nằm trong nỗ lực tạo ấn tượng với du khách thông qua những sản phẩm lưu niệm quảng bá lịch sử văn hóa, kích cầu tham quan, mua sắm, thời gian qua, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt những sản phẩm sáng tạo độc đáo. Đó là lá và quả bàng sấy khô, khắc hình di tích hoặc thơ của chiến sĩ cách mạng; bát ăn cơm bằng vỏ dừa; cuốn sách, ảnh “Tìm lại ký ức”... Bà Phạm Thị Hoàng My (Phòng Giáo dục truyền thống, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò), cho biết: Sau khi tham quan các gian trưng bày, du khách rất thích thú khi mua được những sản phẩm gắn bó với từng câu chuyện, sự kiện có thật ở di tích. Lúc này, mỗi sản phẩm đã trở thành “sứ giả” quảng bá văn hóa, lịch sử, để lại dấu ấn sâu đậm, khó quên.
Tuy nhiên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò chỉ là những đại diện ít ỏi trong lĩnh vực phát triển thị trường sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết. Hiện trên địa bàn thành phố, phần đông điểm tham quan vẫn trong tình trạng thiếu vắng sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo, đủ sức níu chân du khách. Ông Phạm Khắc Hà, Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch quốc tế Bốn phương cho rằng, khách tham quan cơ bản đều có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm kỷ niệm về chuyến đi cũng như để làm quà tặng. Thế nhưng, sức mua thực tế không cao, bởi sản phẩm lưu niệm thiếu sáng tạo tới mức quanh đi quẩn lại luôn là túi, ví, quần áo, gương, lược, tượng thiếu nữ… Chỉ khác ở dòng chữ in, khắc nguệch ngoạc tên điểm đến, rất khó thu hút sự chú ý, yêu thích của du khách.
Cần đầu tư tài chính và chất xám
Là nơi hội tụ hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa cùng hàng trăm lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống..., Hà Nội có thế mạnh rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới, trong đó có việc xây dựng, phát triển các sản phẩm lưu niệm mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đang được thành phố chú trọng, bên cạnh việc hình thành bộ nhận diện thương hiệu, chỉ dẫn du lịch cũng như hàng loạt dịch vụ du lịch phụ trợ khác.
Để thực hiện việc này, nhiều bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố đang gấp rút nghiên cứu, cho ra đời các mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm với sự đầu tư về kỹ thuật chế tác, tính đa dạng về nguyên liệu và khả năng ứng dụng. Tiêu biểu như, khu di sản Hoàng thành Thăng Long xây dựng mẫu sản phẩm lưu niệm mô phỏng hình dáng các di vật gắn liền với di sản, như: Đầu rồng, đầu phượng, chim uyên ương... Bảo tàng Hà Nội triển khai thiết kế sản phẩm là mô hình thu nhỏ của các bảo vật quốc gia...
Trong khi đó, di tích làng cổ Đường Lâm đang ấp ủ ý tưởng cho ra đời những sản phẩm đan từ nguyên liệu mây, song..., những loài cây gắn bó mật thiết với cộng đồng cư dân làng cổ. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết: Người dân Đường Lâm sử dụng mây, song vào nhiều việc, trong đó phổ biến là trồng làm hàng rào quây cổng, ngõ. Đây cũng là loại nguyên liệu dễ tạo hình, có thể thiết kế ra nhiều loại sản phẩm như giỏ, túi xách, con giống... vừa có tính ứng dụng cao, vừa thân thiện với môi trường và đặc biệt là gần gũi với không gian làng cổ.
Đánh giá về những tiềm năng của thị trường sản phẩm lưu niệm Thủ đô, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, Hà Nội vốn có nhiều làng nghề truyền thống, có khu phố cổ, hệ thống đình, đền chùa đồ sộ cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, như: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước… Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để “khái quát” lại trong một món quà lưu niệm đặc biệt. Cái cần hiện giờ là sự quan tâm, đầu tư đúng mức cả về tài chính và chất xám cũng như chiến lược đường dài để sản phẩm có sức sống.
“Mỗi điểm đến bảo tàng, di tích có thể phát động các cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch; liên kết với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất uy tín để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp... Ngoài ra, cần chú trọng đa dạng chủng loại, mẫu mã, dòng sản phẩm hướng tới từng đối tượng phục vụ”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh đề xuất./.