Hoạt động của ngành

Để du lịch vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Bình “cất cánh”

Cập nhật: 29/06/2023 14:17:13
Số lần đọc: 358
Trước đây, khách du lịch chỉ biết đến một Quảng Bình là vùng đất khô cằn, chỉ có nắng, gió Lào và cát trắng là “đặc sản”. Thế nhưng, Quảng Bình hôm nay lại đang trở thành điểm đến đa dạng, đặc sắc với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, gọi mời. Một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, đã và đang từng bước tạo nên thương hiệu riêng biệt cho ngành du lịch Quảng Bình, đó là du lịch cộng đồng, gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.


Lễ hội trỉa lúa được xem là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình. Ảnh: Thủy Lê

Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng

Quảng Bình là địa phương ở khu vực miền Trung có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, đa dạng, có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài bờ biển dài hơn 116km với nhiều bãi tắm đẹp: Đá Nhảy (Bố Trạch); Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú (Đồng Hới); Hải Ninh (Quảng Ninh) và những thắng cảnh nổi tiếng thì phía Tây của tỉnh còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm dưới tán rừng Trường Sơn và dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là tiềm năng rất lớn để Quảng Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương có hai dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và Chứt (bao gồm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Mỗi dân tộc và tộc người có giá trị văn hóa độc đáo riêng và từ lâu đã diễn ra quá trình giao lưu, đan xen văn hóa, từ đó, làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Quảng Bình. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn để địa phương phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng. Đa số đồng bào ở đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực rất thích hợp để đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Hiện, trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà địa phương đang khai thác, có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn – hang Rục Mòn...

Bên cạnh đó, các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hò thuốc cá huyện Minh Hóa, đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.

Thách thức lớn để du lịch bản địa “cất cánh”

Tuy có nhiều tiềm năng còn “bỏ ngỏ”, nhưng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình mới đạt được những kết quả bước đầu, khó khăn và hạn chế còn nhiều. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, sự tham gia và lợi ích của người dân chưa rõ nét, chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa đặc biệt khu vực miền núi, biên giới. Ở các nơi giàu tài nguyên du lịch, nhận thức cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền để phát triển du lịch dịch vụ còn hạn chế. Đó là những nguyên nhân căn cốt khiến cho du lịch bản địa ở Quảng Bình vẫn chưa thể “cất cánh”, bay cao như kỳ vọng.

Động Phong Nha - “thiên đường” du lịch ở Quảng Bình. Ảnh: Thủy Lê

Thung lũng bản Còi cách không xa trung tâm xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, nhưng nhiều năm trước chỉ là đồng cỏ bỏ hoang. Thêm vào đó, dưới chân dãy núi đá vôi phía Tây Bắc huyện Lệ Thủy có hệ thống hang động đẹp, song cũng chưa mấy ai biết tới, ngoại trừ người dân bản địa. Cho tới khi tiềm năng du lịch ấy được khảo sát, đánh giá một cách cụ thể, kỹ càng bằng một đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào cảnh quan thiên nhiên và người dân bản địa, thì vùng đất đẹp như tranh vẽ này mới được “đánh thức”. Bây giờ, thung lũng bản Còi và hệ thống hang Chà Lòi ở xã Ngân Thủy - nơi từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội trong những năm chiến tranh mới bắt đầu trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở miền Tây Lệ Thủy. Một ví dụ cụ thể để cho thấy, còn quá nhiều việc phải làm để giúp cho ngành du lịch tỉnh Quảng Bình được nhiều người biết đến.

Tháng 6/2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Theo kết quả của chuyến khảo sát các địa bàn xã và huyện vùng dân tộc thiểu số (bao gồm: bản Kè (xã Lâm Hóa), hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa), bản Dộ Tà Vờng (Trọng Hóa); Cổng Trời Cha Lo và đồi Chạ Quang (xã Dân Hóa), bản Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp (xã Thượng Hóa), bản Rào Con (thị trấn Phong Nha), bản Arem (xã Tân Trạch), bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch), xã Trường Sơn, Trường Xuân, Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy): đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn khó khăn, điều kiện tiếp cận văn hóa, chất lượng cuộc sống của người dân giữa khu vực miền núi và đồng bằng vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Ngoài ra, cộng đồng các dân tộc có mong muốn khá thống nhất là được tạo công ăn việc làm ổn định trong lĩnh vực du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống chung của cả bản làng. Như vậy, việc xây dựng các gói sản phẩm du lịch tập trung vào bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề cần các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình triển khai nhanh và tháo gỡ đúng trong thời điểm hiện tại.

Có thể nói, việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình; đồng thời, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn giữa núi rừng Trường Sơn.

Thủy Lê

Nguồn: Báo Biên Phòng - baobienphong.vn - Đăng ngày 27/06/2023

Cùng chuyên mục