Hành trang lữ khách

Đi du lịch cũng là để học

Cập nhật: 20/06/2024 14:42:04
Số lần đọc: 510
Trên chuyến xe đưa tôi cùng những người làm du lịch ra Quảng Bình khảo sát, học tập mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP, anh Tú - đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Đi du lịch cũng là để học. Anh đi học để làm nghề du lịch, em đi học để khám phá những mô hình mới, cập nhật thông tin để có bài viết hay”. Quả thực, với người làm báo, mỗi chuyến đi là một lần học.


Đi để học

Từ mảng đại học chuyển sang tuyên truyền mảng du lịch, lĩnh vực mà nhiều người bảo phải “ăn” và “chơi” mới viết tốt được khiến tôi có phần bối rối. Gần chục năm rèn cho mình vào cái nết nghiêm túc đúng với tính chất trường lớp, khi chuyển sang mảng tuyên truyền mới không chỉ phải thay đổi tính cách để phù hợp mà còn phải học thêm nhiều kiến thức, thuật ngữ chuyên ngành. Tôi trả lời anh Tú: “Dạ, em đi là để học”.

Tham quan mô hình tại Chày Lập Farmstay (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), tôi bất ngờ trước những thông tin người quản lý nơi đây giới thiệu. 41 phòng lưu trú ở đây thường có khách đặt trước. Với mức giá từ hơn 1,1 triệu đồng/đêm, thậm chí là 1,8 triệu đồng trở lên, nhưng khách vẫn sẵn sàng chi tiền, có khi phải đặt trước dài ngày. Công suất phòng thường xuyên được lấp đầy, dù nơi đây khá xa thành phố. Những câu hỏi cứ liên tục xuất hiện trong đầu người làm báo như tôi. Tại sao họ làm tốt như vậy và tại sao Huế có nhiều lợi thế lại loay hoay với bài toán lưu trú của khách(?).

Bà Lê Thị Hải Yến, Giám đốc Sales Khu nghỉ dưỡng Chày Lập Farmstay chia sẻ về mô hình cũng là lời giải đáp cho câu hỏi tôi thắc mắc, rằng Chày Lập Farmstay đặc biệt chú trọng mô hình lưu trú đề cao trải nghiệm gắn với dịch vụ miễn phí, từ ăn uống đến các trải nghiệm, trò chơi. Mặt khác, cần phát triển loại hình này gắn với “gu” của khách. Cũng nhờ đó, khách quay lại hàng tháng, hoặc vài tháng một lần là chuyện phổ biến.

Tìm hiểu về du lịch làng cổ Phước Tích

Nghe tour tuyến, các mô hình du lịch ở các địa phương na ná nhau, nhưng thực tế lại rất khác. Cách làm khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau. Sự thành công của những mô hình từ tỉnh bạn là cơ sở những người làm du lịch tham khảo. Còn với người làm báo, đó lại là những thông tin thú vị để đưa ra những phân tích, góp ý nhằm tuyên truyền thúc đẩy phát triển du lịch Cố đô. Lần đó về, tôi viết được mấy bài. Kinh nghiệm viết du lịch còn non, nhưng góc nhìn du lịch đã có sự đổi mới. Một đồng nghiệp động viên tôi: “Đi nhiều, học nhiều sẽ viết lên tay”.

Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, lúc vừa nhận nhiệm vụ chuyển sang tuyên truyền mảng du lịch, giấy mời đầu tiên tôi nhận được là tham gia chương trình famtrip ở làng cổ Phước tích của Hội Lữ hành. Làng cổ Phước Tích tôi đã đến nhiều lần, nên mục tiêu ban đầu của chuyến đi chỉ là kết nối các doanh nghiệp. Thế nhưng, tôi phải thay đổi suy nghĩ. Có mặt trong chuyến hành trình với vai trò một người đi học tập kinh nghiệm, có vô vàn những thông tin hay được người dân chia sẻ. Họ mời tôi trải nghiệm cách làm du lịch của người địa phương. Và khi đổi vai của người làm du lịch cộng đồng, sự thấu hiểu nhiều hơn đã mang lại những cảm xúc, chất liệu để có thể “thổi hồn” vào bài viết đúng hơi thở của cuộc sống.

Có một nghề… “nhà báo du lịch”

Trên chuyến đi Quảng Bình năm ngoái, một thử thách mà tôi phải vượt qua là đường trượt zipline đầy cảm giác mạo hiểm. Nhiều người cho đó là một trải nghiệm thú vị, tôi lại ngại vì chứng tiền đình. Một nhân viên ở khu du lịch Sông Chày - Hang Tối ghé vào tai tôi: “Dù muốn hay không, anh nên thử. Thử để viết bài về trải nghiệm này”. Trải nghiệm đường trượt zipline chỉ là một trong số những hoạt động, trò chơi và là sản phẩm du lịch. Người làm du lịch trao đổi với tôi, như chính họ cũng hiểu về nghề báo: “Nhà báo là những người ghi lại lịch sử trong cuộc sống hàng ngày. Có người nói nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm, nhưng thực sự họ phải có những trải nghiệm chân thật nhất, mới “nói thêm”, mới tuyên truyền, mới đóng góp cho sự phát triển của du lịch được”.

Nhiều lần gặp các doanh nghiệp du lịch, có người chọc tôi: “Chào nhà báo du lịch”. Tôi từ chối, vì biết mình vẫn đang còn học thêm nhiều về du lịch. Họ cười trừ, giải thích: “Danh xưng này không phải chỉ để nhắm đến những những cây viết chuyên nghiệp với mảng du lịch. Nhà báo du lịch là những “chiến sĩ” tiên phong trong việc phản ánh ngành du lịch đến công chúng, dù họ là nhà báo chuyên nghiệp, hay là nghiệp dư”.

Chính việc được đi nhiều, trải nghiệm nhiều, vừa giúp “nhà báo du lịch” được nhiều cái, nhưng cũng khiến họ mất nhiều cái. Nhà báo Hồng Minh của VTV cách đây khá lâu từng chia sẻ, làm chương trình “Việt Nam đất nước con người” về du lịch giúp chị được đặt chân tới rất nhiều vùng đất khác nhau, được trải nghiệm nhiều những nền văn hóa khác nhau đem lại cho người làm báo du lịch nhiều kiến thức phong phú hơn… Nhưng việc làm nhà báo du lịch cũng lấy đi của chị nhiều thứ, đặc biệt là phụ nữ, chị luôn có rất ít thời gian cho gia đình của mình. Chính việc phải sắp xếp làm sao để cân bằng gia đình và công việc là một khó khăn đối với chị. 

Buồn vui của nghề báo thì khó nói hết, nhưng một điều dễ thấy của nghề báo, nhất là những nhà báo du lịch là được đi đó đây, khám phá được nhiều hơn những góc nhìn về cuộc sống, có được nhiều những kỹ năng trong cuộc sống cũng như công việc của mình mà nếu không đi thì sẽ không bao giờ có được. Những bài học trên hành trình “đi du lịch để học” sẽ mang lại cho người làm báo tư duy mới về nghề, luôn vận động suy nghĩ về đề tài và cách phản ánh, quảng bá tốt hơn được hình ảnh du lịch Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 20/6/2024

Cùng chuyên mục