Hoạt động của ngành

Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 05/09/2019 08:05:54
Số lần đọc: 1006
Sáng 4/9, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức Hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa-thể thao-du lịch-giải trí Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.


Đại diện các sở, ngành chủ trì phiên thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Vai trò trung tâm kết nối

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du Lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, liên kết hợp tác phát triển kinh tế là một hướng đi mới, mang lại những thành công cho nhiều địa phương, khu vực và nhiều nước trên thế giới.

Liên kết, phát triển ngành Du lịch còn là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự liên kết này cần được xây dựng dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tự nhiên lịch sử, văn hóa và quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, vùng và địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước với số lượng dân số khoảng 10 triệu người.

Năm 2019, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018.

Khách du lịch nội địa đến thành phố phấn đấu đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến thành phố đạt 4,8 triệu lượt người, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vùng Tây Nam Bộ đã hình thành các liên kết vùng như tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long; cụm phía Tây đồng bằng Sông Cửu Long…

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch…

Đại diện các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, với vai trò là trung tâm liên kết trong phát triển du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối liên kết, hợp tác với nhiều địa phương trong từng vùng trọng điểm, xác định cụ thể đặc thù của từng địa phương để xây dựng nội dung phối hợp.

Trên cơ sở căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và điều kiện liên quan, các địa phương cần định vị sản phẩm du lịch hiện có của từng vùng nhằm tạo ra sức hút.

Từ đó, các địa phương hợp tác khắc phục những hạn chế, đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi giải bài toán đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hình thành những chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của đồng bằng sông Cửu Long đến doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Cùng với đó, doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch thông qua những cơ hội hợp tác.

Xúc tiến nhiều dự án tiềm năng

Tại hội nghị, 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa-thể thao-du lịch-giải trí đã được giới thiệu.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 51 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) có 36 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (gồm 7 địa phương là Thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) có 92 dự án.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nên chủ động tìm hiểu tiềm năng của dự án, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi… trong hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực hạ tầng văn hóa-thể thao-du lịch-giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch tiềm năng liên kết vùng.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, các tỉnh Cụm Đông đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục khai thác những dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực văn hóa-thể thao-du lịch-giải trí hiệu quả trên địa bàn.

Song song đó, các địa phương mong muốn tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu từ phía nhà đầu tư và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Những năm gần đây, hạ tầng đường bộ của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi thay, kết nối với các vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long qua các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và xa lộ cửa ngõ đã được đầu tư mở rộng. Các địa phương đã xây dựng nhiều cầu lớn, cầu vượt để tạo thuận lợi giao thông cho người dân và cả cho hoạt động du lịch.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức, du lịch của các tỉnh, thành phố trong Cụm Tây đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa.”

Với phương châm mang lại cơ hội cho đối tác, các địa phương luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục