Định hướng phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, vùng Đông Bắc sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kỳ vĩ, giúp nhiều địa phương trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Khu vực này cũng là nơi tập trung sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc ít người mang các sắc màu văn hoá khác nhau, đa dạng về bản sắc và cá tính độc đáo. Do vậy, việc phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch địa phương vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính liên kết gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá là một vấn đề quan trọng nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch trong hiện tại và tương lai ở mỗi địa phương, cũng như toàn vùng Đông Bắc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay, đưa ra các giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trong thời gian tới.
Các ý kiến tập trung vào các vấn đề như phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đông Bắc; gắn kết du lịch Công viên địa chất UNESCO trong liên kết các tỉnh Đông Bắc; phát triển du lịch cộng đồng, tour du lịch văn hóa. Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đổi mới và sáng tạo trong thiết kế sản phẩm du lịch và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm, quảng bá và quản lý du lịch văn hóa.
Những ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học là cơ sở quan trọng để 8 tỉnh trong vùng Đông Bắc nghiên cứu, từ đó phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Sơ kết hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2024 - 2025.
Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 diễn ra từ ngày 02/11 đến 04/11 tại thành phố Lạng Sơn với sự tham gia của 8 tỉnh gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Ngày hội năm nay có chủ đề "Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa".
Các đại biểu tham dự Khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 diễn ra vào sáng 2/11 tại Công viên Chi Lăng, đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra vào tối 2/11
Trích đoạn Nghi lễ cấp sắc Thầy Tào - Cái Tào của dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn
Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra các hoạt động: trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; hoạt động thể thao thi đấu kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; các hoạt động chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2024) và 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024)...
Trung tâm Thông tin du lịch