Non nước Việt Nam

Đình Nam Hương (Hà Nội)- Ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi giữa Thủ đô

Cập nhật: 03/08/2022 05:34:51
Số lần đọc: 693
Đình Nam Hương xây dựng vào cuối thời Lê. Nơi đây thờ 5 Thành hoàng gồm 3 vị thần tối cổ Long Đỗ, Cao Sơn, Linh Lang của Thăng Long cùng công chúa A Duy nhà Lý (Kha Duy Tĩnh) và Vương công Dương Tu nhà Nguyễn.  


Đứng trên hành lang của đình Nam Hương, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm với đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, Tháp Rùa… Lui dần về phía trước ngôi đình là bia và tượng đài vua Lê.

Ngôi đình ra đời cũng đã trải qua những thay đổi, trước đây đình được xây ở dưới đất với quy mô khá lớn. Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược, đình Nam Hương bị thực dân Pháp lấy đất, rồi bị tàn phá không rõ năm nào...

Về sau, tại nơi này, nhà nước bảo hộ Pháp đã xây lại ngôi đình cho thôn Tự Pháp. Ngôi đình được xây ở tầng 2, phía dưới là cửa hàng. Như vậy, lần theo dấu vết lịch sử, có thể đoán định niên đại xây dựng của ngôi đình hiện nay vào khoảng thế kỷ 19.

Đình Nam Hương nằm phía sau khu tưởng niệm vua Lê, ngay sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Đến năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, ngôi đình lại được tôn tạo thêm tầng 2. Nếu so với diện tích ngôi đình ở dưới đất có tới trên 200m2, thì nay bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa. Phần dưới của ngôi đình đã từng là nơi làm việc của cơ quan Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm, là cửa hàng ảnh cùng một gia đình dân ở. UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu giải tỏa các hộ dân trong không gian di tích để trùng tu, bảo tồn.

Ông Đặng Đức Phương, Trưởng tiểu ban Quản lý đình Nam Hương cho biết: Đình Nam Hương trước bên kia đường khách sạn Phú Gia nay mới chuyển bên này thời Pháp để gắn liền với tượng đài Vua Lê và đã qua nhiều lần tu bổ, tu tạo. Đến năm 2019, quận và thành phố chủ trương tu bổ lại cả đình để hợp với khuôn viên của di tích tượng đài vua Lê, xây trong vòng 1 năm thì khánh thành.

Đình Nam Hương là 1 di tích đặc biệt có lưu hương chốn Long thành. Khu di tích đình có diện tích là 441,5m2 được xây dựng theo hướng Đông, gồm hai tầng. Tầng 1 được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, tầng 2 theo lối hình chữ “nhị”, phía ngoài là Tiền tế, phía trong là Hậu cung. Với kiến trúc nhà gác 2 tầng với cầu thang lên xuống cũng khiến cho di tích trở nên đặc biệt.

Theo chị Đỗ Thu Hằng, cán bộ văn hóa phường Hàng Trống, đình Nam Hương là 1 di tích hiếm có trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, vì cùng với bên đền vua Lê và tượng đài vua Lê là 1 quần thể di tích rất đẹp, thoáng, không gian rộng rãi và kiến trúc rất đẹp.

Từ xa xưa, đình Nam Hương đã là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của người dân Hà Nội.

"Đặc biệt, hiện nay, đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 17, 18 như: 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho 5 vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do một đôi lân cõng; 5 long ngai, 1 chóe sứ và nhiều đồ thờ tự khác…".

Đình Nam Hương có một bề dày lịch sử, từ xa xưa nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, là nơi sinh hoạt hội họp, bàn bạc các công việc chung của làng và cũng là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của nhân dân địa phương…

Bà Nguyễn Thị Thiện, Thủ nhang Đình Nam Hương cho biết: "Mỗi năm chúng tôi đều có mấy cái lễ ở đây. Ngày Lễ Thượng Nguyên đầu năm thì 15/1 chúng tôi làm lễ cầu an cho bách gia trăm họ. Đến 15/4 là Ngày đức Vua Lê đăng quang, rồi đến ngày giỗ của Vua Lê...".

Đặc biệt, vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức Lễ sắp ấn. Đây là lễ phong tước cho thần và các quan, khác biệt so với các di tích xung quanh.

Đình Nam Hương - ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi này, từ lâu đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Hà Nội, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử và trở thành điểm tham quan của du khách khi đến thăm Thủ đô./.

Diệu Linh

Nguồn: Báo Điện tử VOV- vov.vn - Đăng ngày 02/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT