Độc đáo cách dệt lụa từ sợi tơ sen
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề dệt. Ngay từ nhỏ, bà đã tham gia phụ giúp gia đình một số việc như hái dâu, nuôi tằm, vì thế mà tình yêu với những sợi tơ vàng đã ngấm vào bà một cách tự nhiên.
Có câu ca dao "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" phần nào nói lên nỗi vất vả của người ươm tơ, dệt lụa. Đã có lúc hàng làm ra không bán được, người dân phải chặt bỏ cây dâu.
Nhưng bà Thuận vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Bà suy nghĩ phải làm ra những sản phẩm độc đáo, khác lạ thì mới có thể tồn tại được. Quyết tâm làm “sống dậy” nghề dệt lụa truyền thống, bà Phan Thị Thuận tìm tòi cách làm mới, hướng đi mới.
Sau nhiều năm trăn trở, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm ra phương pháp dệt lụa mới bằng cách biến con tằm thành người thợ dệt nên những tấm chăn tơ tằm độc đáo. Say mê với nghề dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn dày công nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen.
Tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen phải thật chỉn chu và rất cầu kỳ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lần nước để làm sạch bùn và gai. Phải cần 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7m, chiều ngang 25cm. Tính ra 1 người thợ chăm chỉ thì 1 ngày cũng chỉ làm được 200 - 250 cuống.
Với kỹ thuật điêu luyện của mình, bà đã không ngừng sáng tạo và thành công trong việc tạo ra lụa sen. Đây là một loại lụa được dệt từ những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen. Lụa sen phải làm hoàn toàn thủ công, không dùng bất kỳ hóa chất phụ trợ nào, có hương thơm tự nhiên, tạo cho người dùng cảm giác dễ chịu.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của bà trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô năm 2021”.
Sản phẩm chăn bông, vải lụa của nghệ nhân Phan Thị Thuận được Hội Nông dân TP Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam thường xuyên giới thiệu các sản phẩm ở các hội chợ trong nước và khu vực; sản phẩm đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Saudi Arabia…
Trên hành trình giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống, điều trăn trở lớn nhất của nghệ nhân Phan Thị Thuận là truyền nghề cho thế hệ kế cận. Từng có nhiều học viên đến học nghề, làm nghề nhưng để đào tạo một người thợ lành nghề cần thời gian và niềm say mê, sáng tạo.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Phúc - Hoàng Văn Năm